BVR&MR – Qua các lễ hội, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Bro, đàn Katak, các làn điệu dân ca Xà ru, A giới… tiếp tục ngân vang.
Đặc biệt là trong phiên chợ với chủ đề “Đặc sắc văn hóa dân tộc Hrê” được tổ chức tại trung tâm thành phố Quảng Ngãi. Ngay lần đầu tiên được tổ chức, chợ phiên độc đáo này thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Tại đây, mọi người tận mắt chiêm ngưỡng tài hoa của các nghệ nhân người Hrê qua các màn biểu diễn dệt thổ cẩm làng Teng, xem biểu diễn cồng chiêng, nghe đàn hát dân ca Ta lêu, Kachoi…
Nghệ nhân Phạm Văn Sây ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, một trong những người tâm huyết với văn hóa dân tộc mình cho rằng, việc tổ chức những hoạt động văn hóa cộng đồng như thế này giúp người dân có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu kho tàng văn hóa truyền thống phong phú của dân tộc Hrê.
Nhiều năm qua, Hồ Văn Sây được ví như sứ giả của bà con Hrê khi mang tiếng hát, tiếng chiêng đi biểu diễn khắp nơi. Đặc biệt, ông luôn tích cực truyền dạy cho lớp con em người Hrê lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
“Tôi rất muốn Đảng và Nhà nước quan tâm giúp đỡ những nghệ nhân chúng tôi được truyền bá, dạy lại cho con cháu sau này biết được bản sắc của mình. Từ lời nói, cách ăn ở đến phong tục tập quán của người Hrê” – nghệ nhân Phạm Văn Sây cho biết.
Thời gian qua, huyện Ba Tơ đã tổ chức hàng chục lớp truyền dạy dân ca, dân vũ; đánh chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào Hrê. Qua việc truyền dạy của các nghệ nhân cao tuổi, nhiều nam, nữ thanh niên Hrê đã thuộc được các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình, biết đánh chiêng 3, chiêng 5; sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống như đàn Brook, Ching Ka-la, sáo ling la…
Ông Lê Cao Đỉnh, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao huyện Ba Tơ cho biết, bên cạnh việc mở lớp, huyện Ba Tơ thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, cộng đồng, để người dân có dịp biểu diễn, thưởng thức, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc: “Chúng tôi tích hợp tổ chức nhiều chương trình đậm nét văn hóa truyền thống của người Hrê, kể cả vật thể và phi vật thể. Văn hóa truyền thống của người Hrê đánh thức được thế hệ trẻ không quay lưng mà họ coi đó là một nhiệm vụ để phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian đến trên địa bàn huyện Ba Tơ”.
Tại huyện miền núi Trà Bồng, Đề án “Bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa dân tộc Cor” được bà con đồng bào tích cực hưởng ứng, góp phần lưu giữ, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống. Cộng đồng người Cor ở Trà Bồng hiện lưu giữ hơn 500 bộ cồng chiên và các loại nhạc cụ truyền thống. Địa phương cũng đã phục dựng nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào Cor như: lễ ăn trâu, lễ mừng lúa mới, lễ ngã rạ…
Qua các lễ hội, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Bro, đàn Katak, các làn điệu dân ca Xà ru, A giới… tiếp tục ngân vang.
Nghệ nhân Hồ Văn Biên, ở thôn Bắc, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng tâm sự, chính việc truyền dạy cho lớp trẻ sẽ giúp những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình không bị mai một: “Mình đánh chiêng từ hồi thanh niên đến bây giờ. Bây giờ mình già yếu rồi, mình phải truyền dạy cho thế hệ trẻ gìn giữ, bảo tồn bản sắc, hồn chiêng của người Cor”.
Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi hiện còn 300 nghệ nhân người Cor, Cadong, Hrê tâm huyết với việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Nhiều địa phương đã khôi phục thành công các nghề truyền thống mang lại thu nhập cho bà con như: dệt thổ cẩm, đan mây tre, nấu rượu cần…
Nhiều mô hình sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc cũng được phục dựng như: Khu bảo tồn văn hóa Cor tại huyện Trà Bồng; Khu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ; Trung tâm Bảo tồn văn hóa Hrê tại huyện Sơn Hà… Qua đó, giúp bà con các dân tộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế và du lịch cộng đồng.