BVR&MT – UBND tỉnh Quảng Nam vừa chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/4 về số lượng, địa điểm, tình trạng pháp lý và chủ các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ hoạt động trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh.
Thông tin trên được ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết vào ngày 6/4. Theo ông Thanh, qua công tác kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm các quy định hiện hành về đặt vị trí thì phải buộc dừng hoạt động, di dời đến vị trí đúng quy định trước ngày 30/6.
Riêng tại huyện Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện phải tổ chức thực hiện nghiêm chỉ thị của UBND tỉnh Quảng Nam về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tại các lưu vực hồ thủy điện.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Công an tỉnh trực tiếp lãnh đạo lập chuyên án điều tra, triệt phá các đường dây buôn bán lâm sản trái phép, đặc biệt là các “đầu nậu” tại các địa phương miền núi của tỉnh; khẩn trương hoàn thành hồ sơ, khởi tố các vụ án phá rừng, hủy hoại rừng, khởi tố bị can, kết thúc điều tra và đề nghị truy tố ở mức độ có tính răn đe cao, phù hợp với quy định của pháp luật.
Như một số cơ quan báo chí đã đưa tin, chỉ trong nửa cuối tháng 3/2018, các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Nam đã phát hiện 3 vụ phá rừng quy mô lớn, 1 vụ xảy ra tại khu vực rừng giáp ranh địa bàn xã Jơ Ngây và xã Tà Lu (huyện Đông Giang) và 2 vụ xảy ra tại khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung thuộc xã Chà Vàl và xã Tà Pơơ (huyện Nam Giang) với tổng khối lượng gỗ đã bị khai thác trái phép hàng trăm mét khối.
Riêng vụ phá rừng xảy ra tại khoảnh 1 và 3 Tiểu khu 355 (thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang) với 33 cây gỗ lim, 1 cây xoan đào bị đốn hạ, tổng khối lượng hơn 235m3 gỗ tròn, Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, tổ công tác của Công an tỉnh vẫn đang khẩn trương phối hợp với Công an huyện Nam Giang tiến hành truy xét các đối tượng liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn này, đồng thời làm rõ những vấn đề có liên quan.