BVR&MT – Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa ban hành chỉ thị số 04/CT- UBND ngày 21/1 Về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng.
Nội dung chỉ thị cho biết: Hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây“ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, trong những năm qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều nguồn lực khác nhau: như chương trình mục tiêu và phát triển lâm nghiệp bền vững, Kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, Dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Quảng Nam, Dự án DFW 10, Dự án Trường Sơn Xanh, Chi trả dịch vụ môi trường rừng… với sự tham gia trồng và bảo vệ rừng của mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là: 682.222 ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên: 446.115 ha, diện tích rừng trồng: 216.107 ha, độ che phủ rừng đạt 59,44%, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, phát huy tác dụng phòng hộ cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, chuẩn bị hiện trường, tổ chức thực hiện “Tết trồng cây” Xuân Tân Sửu 2021 của địa phương, đơn vị mình theo tinh thần phải thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, đoàn thể, tổ chức… và mọi tầng lớp nhân dân, tích tham gia trồng cây, trồng rừng, góp phần vào mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh, trong giai đoạn 2021 -2025, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 45/CT – TTg ngày 31/12/2020. Thời gian tổ chức, phát động thực hiện vào đầu xuân mới; dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5) và các ngày lễ lớn trong năm 2021, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương, đơn vị.
Sau khi thực hiện “Tết trồng cây”, các địa phương, đơn vị, tổ chức chăm sóc, bảo vệ cây trồng, diện tích trồng rừng hiện có để cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt; kiểm tra đánh giá kết quả Tết trồng cây, và công tác trồng rừng, bảo vệ rừng tại địa phương, đơn vị để rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm trong việc thực hiện trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở NN&PTNT) để tổng hợp báo cáo Bộ, ngành Trung ương theo quy định.
Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, truy quét các tụ điểm phá rừng, khai thác rừng trái phép trên địa bàn, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.
Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật…
Hồng Sơn