BVR&MT – Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã đã được các Sở, ngành, chính quyền địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng săn bắt, vận chuyển, kinh doanh, nuôi nhốt, sử dụng, tiêu thụ trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã; đặc biệt là tình trạng bẫy, bắt, buôn bán, vận chuyển các loài chim hoang dã, di cư bằng các loại bẫy lưới, gắn máy phát tiếng kêu và nhiều dụng cụ khác tại các khu vực cư trú, sinh sống của loài chim di cư theo mùa.
Nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã và ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu: Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương: Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm chính đối với ngành mình quản lý về công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật lâm nghiệp nói chung và bảo vệ động vật hoang dã nói riêng. Triển khai, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ các loài động vật hoang dã; gương mẫu không sử dụng, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoangdã. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
Tập trung tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo vệ các loài động vật hoang dã; đặc biệt tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao như: nhà hàng, quán ăn, địa điểm đông khách du lịch, nơi có các khu rừng tự nhiên và cư trú của các loài động vật hoang dã cũng như các loài di cư; tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không”: Không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Tăng cường tuần tra truy quét trong rừng, khu vực trọng điểm; kiểm tra các nhà hàng, quán ăn, các chợ, các địa điểm kinh doanh, các khu dân cư, các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã… để phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về săn bắt, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, trưng bày, quảng cáo để kinh doanh các loài động vật hoang dã, mẫu vật các loài động vật hoang dã trái phép; nhất là kiểm soát tình trạng vận chuyển, buôn bán chim dạo trái phép bằng xe mô tô trên các tuyến đường (đặc biệt là tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh) và săn bắt các loài chim hoang dã, di cư tại ao, hồ, đầm, bãi nổi trên sông, đồng ruộng…
Tăng cường quản lý, kiểm soát các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây nuôi, phát triển các loài động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp; nghiêm cấm việc gây nuôi động vật hoang dã không rõ nguồn gốc hoặc có nguồn gốc săn bắt từ tự nhiên; tổ chức rà soát, kiểm tra các điều kiện về an toàn trại nuôi, vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn để đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh cho người, động vật và bảo vệ môi trường…
Các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tổ chức chăm sóc, cứu hộ và bảo quản mẫu vật theo đúng quy định. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…
Hồng Sơn