Quảng Nam sẽ thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh vọoc chà vá chân xám

BVR&MT – Hiện qua khảo sát có khoảng 50 cá thể chà vá chân xám đang sinh sống trong ít nhất 4 đàn tại khu vực núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu ở thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.

Những cá thể vọoc chà vá chân xám đang sinh sống trên cánh rừng ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)


Chiều 17/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện Đề án Bảo tồn loài chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.

Voọc chà vá chân xám có tên khoa học là Pygathrix cinerea. Đây là loài đặc hữu nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và được đánh giá là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao trên thế giới.

Hiện qua khảo sát có khoảng 50 cá thể chà vá chân xám đang sinh sống trong ít nhất 4 đàn tại khu vực núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu ở thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.

Không gian sống hiện tại của những cá thể này rộng khoảng 25ha, là những dãy rừng hẹp còn sót lại trên đỉnh núi đá nhưng lại bị chia cắt bởi diện tích rừng keo của người dân địa phương.

Chính vì vậy có nhiều mối đe dọa đến sự sinh tồn của quần thể voọc chà vá chân xám như thiếu thức ăn, nơi ở, khó chống chịu với thời tiết xấu, nguy cơ thoái hóa gene, cháy rừng…

Giám đốc Trung tâm GreenViet Trần Hữu Vỹ cho biết Đề án đưa ra mục tiêu phục hồi tối thiểu 150ha sinh cảnh sống cho loài voọc chà vá chân xám, kéo dài trong 10 năm (2019- 2028). Tổng kinh phí dự kiến triển khai đề án là hơn 100 tỷ đồng, chia thành hai giai đoạn.

Các nhóm hoạt động chính của đề án gồm giao khoán bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng thôn; phục hồi sinh cảnh sống cho các loài chà vá chân xám; nghiên cứu khoa học; thành lập Trung tâm diễn giải thiên nhiên; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; phát triển du lịch sinh thái; phát triển kinh tế xã hội vùng đệm; đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

Qua kết quả tham vấn, cộng đồng dân cư địa phương đều tích cực ủng hộ Đề án bảo tồn voọc chà vá chân xám, sẵn sàng giao lại đất nương rẫy để phục hồi sinh cảnh sống cho loài voọc. Tuy nhiên, Nhà nước phải có giải pháp đảm bảo sinh kế thay thế bền vững và đền bù theo quy định hiện hành khi thu hồi nương rẫy của người dân.

Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng hình thức bảo tồn nguyên vị, mở rộng hệ sinh thái thông qua trồng rừng gỗ lớn là phương án tối ưu nhất cho khu vực này.

Việc thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây hiện nay là cần thiết. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn và có thể kết nối với việc bảo tồn những nhóm quần thể chà vá chân xám mới được phát hiện ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam), huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Vũ Khôi, Phó Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, khi dự án này triển khai sẽ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đóng góp cho đất nước một khu bảo tồn loài sinh cảnh quan trọng.

Trước mắt, tỉnh Quảng Nam cần bảo vệ nghiêm ngặt 30 hecta rừng tự nhiên hiện có ở khu vực núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông, Dương Bản Lầu.

Tiến sỹ Adrian Schuhbeck, Cố vấn cao cấp về đa dạng sinh học của Trung tâm GreenViet chia sẻ trong quá trình thu hồi đất rừng sản xuất để làm khu bảo tồn, tỉnh Quảng Nam cần có những giải pháp để từng bước phát triển hệ thực vật rừng tại đây như trồng xen kẽ các loại cây nhằm cung cấp thức ăn, chỗ ở, di chuyển của loài voọc chà vá chân xám.

Bên cạnh đó huy động cộng đồng cùng tham gia đề án ngay từ đầu và quan tâm đến lợi ích của người dân địa phương trong quá trình xây dựng khu bảo tồn loài.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, thời gian tới, đơn vị tư vấn xây dựng Đề án cần tiếp tục hoàn thiện những ý kiến góp ý của các bên liên quan trước khi trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phê duyệt thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh voọc chà vá chân xám tại huyện Núi Thành.

Đây sẽ là căn cứ pháp lý để tỉnh bố trí nguồn lực cũng như kêu gọi sự hợp tác của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, doanh nghiệp làm du lịch cùng chung tay xây dựng khu bảo tồn.