Quảng Nam: Nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững loài Đảng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook. f.) ở huyện Tây Giang

Tóm tắt – Tây Giang là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc, tỉnh Quảng Nam, là nơi phân bố tự nhiên của loài Đảng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook. f. ), một loài cây dược liệu có có giá trị kinh tế và bảo tồn cao. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá thực trạng phân bố, sinh trưởng, phát triển loài Đảng sâm tự nhiên và thực trạng gây trồng để có biện pháp bảo tồn và phát triển bền vững loài Đảng sâm.

Nghiên cứu đã thực hiện ở 4 xã vùng cao (Tr’hy, Axan, Ch’ơm và Gary) ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích trồng Đảng sâm ở huyện Tây giang hiện nay là 300,18 ha, vùng phân bố trên chủ yếu ở rừng thứ sinh, bìa rừng, ven suối, nương rẫy bỏ hóa, thoát nước tốt, độ cao trên 800 m so với mực nước biển, mật độ phân bố tự nhiên khá cao. Những kinh nghiệm về việc chọn giống và đất trồng Đảng sâm của người dân tộc Cơ Tu cần được bảo tồn, lưu trữ và nhân rộng trong thời gian tới. Kết quả cũng đã xác định được sáu nhóm giải pháp quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững loài Đảng sâm là i) giải pháp bảo tồn in-situ, ii) giải pháp tổ chức, iii) giải pháp kỹ thuật, iv) giải pháp về vốn, v) giải pháp về xã hội và vi) giải pháp về thị trường.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đảng sâm là cây lâm sản ngoài gỗ phân bố tự nhiên ở các vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam, được người dân khai thác với mục đích làm dược liệu. Vị thuốc Đảng sâm là phần rễ khô của cây Đảng sâm (Codonopsis javanica (Hook) Blume. f. ), họ Hoa chuông (Campanulaceae). Công dụng chủ yếu là điều hòa tỳ vị, bổ trung ích khí. Sinh tân dịch. Chủ trị tỳ vị hư yếu, phổi kém, thân thể mệt mỏi, ăn kém, miệng khát.

Theo Đỗ Tất Lợi (2006), Đảng sâm được xem là “nhân sâm của người nghèo’’ vì đây là một loài dược liệu quý, có tác dụng chữa bệnh như nhân sâm nhưng giá lại rẻ hơn. Trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Đảng sâm được xếp vào danh sách loài “sẽ nguy cấp” (bậc V).

Tây Giang là huyện miền núi ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, có tổng diện tích tự nhiên 91.368 ha. Phần lớn diện tích ven rừng tự nhiên, trảng cỏ và nương rẫy đã bỏ hoang ở độ cao trên 800 mét được ghi nhận là nơi phân bố của các loài Đảng sâm. Nơi đây cũng là một trong những địa phương có mật độ Đảng sâm phân bố nhiều nhất trong tự nhiên và bước đầu được nhân dân gây trồng trong những năm gần đây. Do có giá trị sử dụng và kinh tế cao nên Đảng sâm trong tự nhiên đang được xem là đối tượng khai thác của người dân.

Trong những năm qua, nguồn cung cấp cây dược liệu quý Đảng sâm phụ thuộc vào khai thác từ tự nhiên và trồng tự phát của người dân địa phương. Việc khai thác bừa bãi, sử dụng đất rừng và đất canh tác không hợp lý đã làm giảm nhanh về số lượng và chất lượng của dược liệu Đảng sâm. Mặc dù Đảng sâm có giá trị kinh tế và bảo tồn cao, các công trình nghiên cứu về loài này ở Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu tập trung phân loại, mô tả hình thái, đánh giá thực trạng khai thác và sử dụng, còn nghiên cứu về hiện trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển loài này còn ít và chưa được quan tâm đúng mức. Bởi vậy, nghiên cứu thực trạng và các giải pháp bảo tồn và phát triển loài Đảng sâm tại huyện Tây Giang là rất cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt khoa học và thực tiễn nhằm bảo tồn tại chỗ nguồn gen loài cây thuốc bản địa quý hiếm, hướng tới phát triển bền vững loài cây này để giảm thiểu những tác động tiêu cực vào rừng tự nhiên và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  1. Phương pháp thu thập số liệu

Sử dụng phương pháp kế thừa có chọn lọc các tài liệu, điều tra trên các tuyến, ô mẫu và phương pháp PRA.

Sử dụng phương pháp khoanh vùng và chấm điểm trực tiếp trên bản đồ có sự tham gia của người dân để xác định khu vực phân bố của loài Đảng sâm tự nhiên ở vùng nghiên cứu.

Trên cơ sở phân tích bản đồ phác thảo phân bố Đảng sâm dựa vào cộng đồng, kế thừa có chọn lọc số liệu, tài liệu thu thập được về vùng phân bố quá khứ và hiện tại của loài Đảng sâm, bản đồ địa hình, tham vấn người dân và cán bộ quản lý để lập các tuyến và ô mẫu điều tra. Tiến hành trên 10 tuyến và 30 ô mẫu điều tra đại diện cho năm dạng sinh cảnh khác nhau. Do Đảng sâm là loài thân thảo, dạng leo nên diện tích mỗi ô tiêu chuẩn được lập 25 m2 (5 m x 5 m). Trong ô tiêu chuẩn tiến hành điều tra về số lượng cá thể, chiều dài thân cây, tình hình sinh trưởng của các cá thể trưởng thành và đặc điểm tái sinh (những cây có chiều dài thân dưới 1m được xem là cây tái sinh, cây có chiều dài thân lớn hơn 1m được xem là cây trưởng thành). Chất lượng sinh trưởng của cây được phân thành 4 cấp: A, B, C, D trong đó cây cấp A là những cây có thân và nhánh phát triển tốt, lá xanh tươi, không bị sâu bệnh. Cây cấp B là những cây thân cành, lá phát triển bình thường, cây trung bình. Cây cấp C là những cây còi cọc, bị sâu bệnh nhưng không chết. Cây cấp D là những cây thân, nhánh, lá vàng úa, còi cọc và bị sâu bệnh nặng sẽ chết.

Phỏng vấn bán cấu trúc và phỏng vấn sâu để thông tin về kinh nghiệm của người dân tộc Cơ Tu trong việc bảo tồn và phát triển bảo tồn và phát triển loài Đảng sâm. Đối tượng được lựa chọn để mô phỏng là những người có kinh nghiệm trong thôn bản, bao gồm già bản (10 người), trưởng bản (30 người) và các hộ nông dân tham gia trồng Đảng sâm (50 hộ).

2. Phương pháp xử lý số liệu

Sử dụng phương pháp thống kê mô tả, thống kê so sánh đối với các chỉ tiêu đo đếm trên các tuyến và ô mẫu điều tra, kết hợp với phương pháp chuyên gia để phân tích, tổng hợp số liệu điều tra. Sau khi chỉnh lý, các số liệu điều tra được xử lý bằng phần mềm Excel theo những chỉ tiêu sau:

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

1. Thực trạng phân bố, sinh trưởng và tái sinh loài cây Đảng sâm tự nhiên

a. Thực trạng phân bố Đảng sâm tự nhiên:

Kết quả điều tra trên 10 tuyến tại 4 xã vùng cao Tr’hy, Axan, Ch’ơm và Gary của của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam được tổng hợp ở Bảng 1.

Bảng 1. Phân bố của Đảng sâm tự nhiên trên các tuyến điều tra.

Số liệu trình bày ở Bảng 1 cho thấy, số lượng Đảng sâm phân bố trong tự nhiên còn khá nhiều nhưng phân bố không đều trên các tuyến điều tra. Tần số xuất hiện cao nhất là tuyến 5 (24 cây/km) và thấp nhất là tuyến 1 (0,71 cây/km). Trên 42 km đường điều tra gặp 476 cây với tần số xuất hiện trung bình là 11,33 cây/km. Thời điểm điều tra diễn ra vào mùa ra hoa, kết quả nhưng số lượng cây ra hoa, kết quả chỉ chiếm 27,52%.

b. Đặc điểm sinh trưởng, tái sinh của Đảng sâm tự nhiên, (xem bảng 2).

Bảng 2. Đặc điểm sinh trưởng và tái sinh của Đảng sâm tự nhiên.

(Nguồn: Kết quả điều tra năm 2016 )

Kết quả ở Bảng 2 cho thấy, số lượng cây Đảng sâm tái sinh trong các ô tiêu chuẩn là 173 cây, tương đương với mật độ 2.307 cây/ha. Như vậy, loài Đảng sâm phân bố tự nhiên trong khu vực nghiên cứu còn tương đối nhiều. Tuy nhiên, cây trưởng thành chỉ chiếm 41,62 % là khá thấp, tương ứng với mật độ (960 cây/ha), còn lại 58,38 % là cây tái sinh. Điều này xảy ra bởi nguyên nhân người dân thường xuyên đi khai thác trong tự nhiên nên số lượng cây trưởng thành giảm đi nhiều. So với số lượng cây trưởng thành, có thể thấy số lượng cây tái sinh cao gấp khoảng 1,4 lần, mật độ cây tái sinh là 1.347 cây/ha. Với mật độ này, nếu có biện pháp tác động hợp lý thì Đảng sâm ở đây sẽ phát triển tốt, có thể đảm bảo số lượng trong tương lai.

Trong các ô tiêu chuẩn, số lượng nhánh/cây từ 1 – 6, trung bình đạt 3,46 nhánh/cây chứng tỏ Đảng sâm phân bố trong tự nhiên còn non. Điều này là hoàn toàn phù hợp vì thời điểm điều tra vào mùa ra hoa kết quả. Đảng sâm đã thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt. Có đến 88,89 % số cây trưởng thành đạt chất lượng tốt (loại A), cây loại B và loại C chiếm tỷ lệ 5,56 %. Những cây đạt chất lượng loại B và loại C là do bị động vật ăn củ hoặc mọc tại nơi đất ướt lâu ngày.

Đảng sâm có khả năng tái sinh rất mạnh bởi 2 hình thức được ghi nhận trong tự nhiên là từ hạt và rễ củ. Khi quả chín, một số loài chim, dơi, bò sát … sẽ ăn quả giúp phát tán hạt giống. Mỗi quả có từ 700 – 800 hạt rất nhỏ nên rất dễ phát tán. Những đốt thân khi già tiếp xúc với đất có khả năng phát sinh rễ củ và hình thành cá thể mới vào mùa sau. Tuy nhiên, hình thức phát sinh rễ củ ít khi gặp trong tự nhiên ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

2. Thực trạng bảo tồn và gây trồng loài Đảng sâm

a. Thực trạng gây trồng loài Đảng sâm, kết quả nghiên cứu xem bảng 3.

Bảng 3. Thống kê diện tích trồng Đảng sâm từ 2011 đến 2016 tại huyện Tây Giang.

Kết quả điều tra ở Bảng 3 cho thấy, tổng diện tích trồng Đảng sâm được gây trồng tại 4 xã vùng cao của huyện Tây Giang đến năm 2016 là 300,18 ha, trong đó phần lớn diện tích được gây trồng tập trung ở xã Ch’ơm với 169,00 ha chiếm 56,30 % tổng diện tích trồng hiện có. Năm 2011, toàn huyện có diện tích trồng lên đến 47 ha, vượt mức kế hoạch của huyện, có được kết quả này là nhờ chủ trương, chính sách hỗ trợ được lồng ghép với các chương trình, dự án như Chương trình 135, dự án 30a,… Nhiều hộ gia đình đã ý thức được lợi ích của trồng Đảng sâm để tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Đến năm 2013, diện tích trồng Đảng sâm toàn huyện tăng thêm 71,00 ha. Kết quả này một lần nữa cho thấy lợi ích từ việc trồng Đảng sâm là động lực để người dân đầu tư mở rộng diện tích. Năm 2014, chỉ trồng mới 47 ha và giảm nhanh đến mức thấp nhất vào năm 2015 còn 4,4 ha.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do năm 2014, 2015 người dân gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, đến năm 2016, được sự hỗ trợ kinh phí từ dự án trồng cây dược liệu của huyện, diện tích trồng Đảng sâm được mở rộng, cả huyện trồng mới được 118,78 ha. Mặt khác, qua kết quả phỏng vấn và điều tra trên thực tế, nhóm nghiên cứu nhận thấy tính ổn định, bền vững của quá trình phát triển chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nguyên nhân của thực trạng này là do:

Khả năng tự đầu tư, mở rộng sản xuất còn thấp. 100 % các hộ tham gia trồng Đảng sâm là người đồng bào sống ở vùng đặc biệt khó khăn, đa số các hộ đều thuộc diện nghèo và cận nghèo. Người dân không đủ kinh phí để mua giống phát triển trồng mới, thậm chí là tái sản xuất.

Tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước còn xảy ra phổ biến. Vẫn còn xảy ra hiện tượng trồng sâm để nhận tiền hỗ trợ, khi nhận tiền hỗ trợ xong họ không chăm sóc nữa mà lại chuyển toàn bộ diện tích đó sang trồng ngô, trồng sắn.

Thiếu nguồn giống: Hiện nay người dân đã áp dụng 2 phương pháp nhân giống là gieo bằng hạt và trồng bằng rễ củ. Trong 2 phương pháp này thì trồng bằng rễ củ được áp dụng đa số, chỉ có một vài hộ có kinh nghiệm mới gieo thẳng hạt giống. Người dân gặp khó khăn vì ở địa phương hiện nay chưa có cơ sở nhân giống nào sản xuất đủ số lượng giống so với nhu cầu. Kể cả khi tự để giống nhưng có người mua họ sẵn sàng bán và chờ vào sự đầu tư của nhà nước.

Thiếu đất để mở rộng sản xuất: Phương thức sản xuất bỏ hóa vẫn còn phổ biến, người dân khai thác độ màu mở của đất mà không đầu tư phân bón, thời gian khai thác từ 5 – 7 năm lại bỏ hóa dẫn đến thiếu đất. Thời gian trồng Đảng sâm kéo dài từ 2 – 3 năm, nên xảy ra hiện tượng thiếu đất để sản xuất cây lương thực, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm một quỹ đất đáng kể, làm cho diện tích đất dành cho nông nghiệp giảm trong những năm gần đây. Ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là các công trình thủy điện.

Chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương còn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ. Trung bình mỗi hộ gia đình chỉ đủ nguồn lực để trồng từ 500 – 1000 m2 nhưng định mức hỗ trợ thấp nhất là 1 ha, người dân trồng xong rồi mới làm hồ sơ để nhận sự hỗ trợ, đây là nguyên nhân chính làm cho người dân khó tiếp cận với nguồn vốn.

b. Kinh nghiệm của người dân tộc trong việc bảo tồn và phát triển loài Đảng sâm

Đã tổng hợp được kinh nghiệm về việc chọn giống, chọn đất, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Đảng sâm của người dân Cơ Tu có từ xa xưa và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Qua đó cho thấy:

Cơ sở chọn giống Đảng sâm của người dân tộc Cơ Tu chủ yếu dựa vào đặc điểm phát sinh của rễ củ ở thân cây để nhân giống. Cây giống được chọn từ rẫy Đảng sâm đủ 3 năm tuổi trở lên, cây sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Chọn rễ củ phát sinh từ đốt thân tròn một năm tuổi có đường kính củ từ 5,1 – 10 mm, 80 – 100 củ/kg, không bị sâu bệnh, dị tật, vết thương cơ giới. Người dân thường bảo quản giống trong thời gian từ 1 – 3 tháng, khi nào đầu củ nảy mầm mới thì đem đi trồng. Mỗi năm một lần người dân thu hoạch rễ củ ở thân để làm giống và bán cho người dân khác có nhu cầu. Còn các biện pháp nhân giống khác như gieo hạt ít được áp dụng vì tỷ lệ nảy mầm thấp, thời gian thu hoạch lâu hơn và đặc biệt cho sản lượng thấp hơn cây giống từ rễ củ.

Cơ sở chọn đất, phân loại đất tốt hay xấu để trồng cây Đảng sâm của người dân tộc Cơ Tu dựa vào thảm thực vật che phủ, quan sát màu sắc tầng đất mặt và địa hình. Người dân tộc Cơ Tu khi sản xuất ít chú ý đến bón phân và áp dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật mà thường tập trung vào việc chọn giống phù hợp với từng loại đất, nên chọn đất phù hợp trồng Đảng sâm là hết sức quan trọng và cần thiết. Theo kinh nghiệm, người Cơ Tu đất tốt nên ưu tiên trồng cây dược liệu và cây lương thực, thực phẩm chính (Đảng sâm, ngô, bầu bí và khoai). Đất trồng Đảng sâm được chọn phải có tầng đất mặt có màu nâu xám, ở những nương rẫy có địa hình cao, thoát nước tốt, đất tơi xốp, giàu mùn.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc của người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm: Do điều kiện đất trồng có độ dốc lớn nên người dân áp dụng kỹ thuật trồng theo đám, không trồng theo hàng, theo luống. Các hố cách nhau 40 – 60 cm, mỗi hố trồng 1 cây. Độ sâu lấp đất từ 3 – 5 cm. Kỹ thuật trồng xen được người dân áp dụng rất có hiệu quả, đối tượng chính trồng xen vào vườn Đảng sâm là cây ngô và sắn. Đồng thời với trồng Đảng sâm người dân tiến hành gieo hạt ngô hoặc trồng sắn, khoảng cách giữa các hố từ 80 – 100 cm, mỗi hố gieo 1 – 2 hạt ngô hoặc cắm một cây sắn. Cây ngô, sắn vừa che bóng, vừa làm giá thể để Đảng sâm leo bám. Cây Đảng sâm là loài cây bản địa tại địa phương, kỹ thuật chăm sóc của người dân ở dây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Người dân không áp dụng các biện pháp bón phân và dùng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh. Mỗi năm tiến hành làm cỏ kết hợp xới đất 2 đợt hoặc 4 đợt. Từ tháng thứ 7 sau trồng trở về sau ngừng chăm sóc vì ở giai đoạn này cây phát triển rễ củ rất mạnh, đặc biệt là hình thành rễ củ ở thân, nếu làm cỏ sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát sinh rễ củ ở thân. Ngoài ra, do đặc điểm khí hậu đặc trưng của vùng cao, trong mùa mưa các loài cỏ sẽ già và chết dần, đến mùa xuân khô ráo tiến hành làm cỏ sẽ dễ hơn, nhanh hơn.

Đảng sâm thu hoạch sau trồng từ 2 – 3 năm tùy theo loại đất. Thời điểm thích hợp nhất là khi cây đã rụng hết lá, thường vào tháng 1, tháng 2 hàng năm. Dụng cụ thu hoạch chủ yếu là bằng thủ công, đất tơi xốp thì dùng tay để nhổ, đất hơi cứng thì dùng cuốc để đào.

3. Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững cây Đảng sâm

Qua điều tra, nhóm nghiên cứu đã xác định loài này thường phân bố trên đất feralít đỏ vàng núi cao, tơi xốp và giàu mùn ở trên cả các dạng sinh cảnh khác nhau, phân bố tập trung nhiều ở rừng thứ sinh, bìa rừng, ven suối và nương rẫy bỏ hóa trên độ cao 800 m. Do đó, bảo tồn nguyên vị (bảo tồn tại chỗ/bảo tồn in-situ) có thể là biện pháp hữu hiệu nhất. Dựa trên kết quả nghiên cứu về thực trạng gây trồng Đảng sâm, đặc điểm sinh thái và phân bố loài Đảng sâm kết hợp với tham vấn các chuyên gia và người dân địa phương. Đồng thời, dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhóm nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp tổng hợp trên các mặt bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững cây Đảng sâm.

Bảo tồn tại chỗ: Khai thác Đảng sâm cần đi đôi với tái tạo và bảo tồn từ tự nhiên, vì đây là nguồn vốn gen đặc biệt quý giá. Để làm tốt công tác bảo tồn, cần phải có sự phối kết hợp chung của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện tốt một số hoạt động sau: Xây dựng bản đồ phân bố tự nhiên của loài Đảng sâm; quy hoạch vùng trồng chuyên canh lưu giữ, bảo tồn gen giống Đảng sâm bản địa tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam phù hợp với vùng sinh thái và kiến thức bản địa của người dân địa phương; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước để phục vụ công tác bảo tồn. Ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ tham gia công tác bảo tồn, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí để công tác bảo tồn phát triển nguồn gen cây Đảng sâm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, xã hội hóa công tác bảo tồn; xây dựng và thống nhất đầu mối quản lý nguồn gen Đảng sâm, tập trung củng cố, mở rộng hệ thống bảo tồn; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào công tác bảo tồn.

Về tổ chức: Tăng cường vai trò quản lý của các cấp chính quyền địa phương, phát huy năng lực lãnh đạo của các cá nhân, bộ phận cán bộ quản lý nông lâm nghiệp cấp xã theo đúng yêu cầu chuyên môn; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý các cấp, đặc biệt là cán bộ chuyên trách cấp xã; xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và các ban, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn huyện trong công tác quản lý tài nguyên rừng, trong đó có cây Đảng sâm.

Về kỹ thuật: Theo dõi các đặc điểm vật hậu của loài Đảng sâm, qua đó làm căn cứ để xác định thời điểm và độ tuổi chọn cây mẹ lấy giống cho phù hợp với điều kiện sinh thái ở vùng nghiên cứu; đẩy nhanh việc chuyển giao kỹ thuật tuyển chọn, nhân giống, trồng và chăm sóc Đảng sâm cho các hộ nông dân tham gia mô hình, từ đó triển khai nhân rộng trong toàn vùng. Chuyển giao kỹ thuật khai thác, công nghệ chế biến để tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm. Đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến tập trung nhằm giúp người dân chủ động mùa vụ, nâng cao giá thành của sản phẩm; thực hiện tái cơ cấu các vùng trồng đã có theo các tiêu chuẩn của GACP. Theo đó, Đảng sâm được trồng trọt và sơ chế với quy mô tương đối lớn theo quy chuẩn GACP – WHO, kể cả phần cứng và phần mềm, bằng cách hình thành các tổ chức kinh tế tại cộng đồng, xây dựng các cơ sở sơ chế tại chỗ, quy hoạch lại các khu trồng theo lô, đào tạo và huấn luyện, xây dựng các quy trình kỹ thuật, thao tác chuẩn phù hợp. Đây là con đường ngắn và tiết kiệm nhất để cho dược liệu Đảng sâm tham gia vào thị trường thế giới.

Giải pháp về vốn: Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thông qua các chương trình hỗ trợ cần phải huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước và nguồn vốn tự có của người dân; hoàn thiện cơ chế hỗ trợ phát triển các mô hình trồng Đảng sâm theo quy mô hộ gia đình và nhóm hộ.

Giải pháp về xã hội: Xây dựng hương ước cộng đồng nhằm kiểm soát khai thác, trồng trọt, chế biến và tiêu thụ Đảng sâm. Ngoài ra, cần ký kết các hợp đồng trách nhiệm giữa cá nhân, gia đình và cộng đồng với nhà nước về phát triển Đảng sâm kết hợp bảo vệ rừng. Thực thi những giải pháp hành chính cứng rắn, xử phạt rõ ràng, nghiêm khắc với những hành vi xâm phạm tài nguyên rừng; quản lý tài nguyên trên cơ sở quản lý cộng đồng là cách quản lý mà mọi thành viên cộng đồng đều tham gia. Lồng ghép các hoạt động kinh doanh cây Đảng sâm với những mục tiêu khác.

Về thị trường: Xây dựng chính sách bao tiêu sản phẩm Đảng sâm theo chuỗi từ vùng trồng, cơ sở chế biến, cơ sở sản xuất và các đối tượng sử dụng; xây dựng mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Mối liên kết đó giúp công ty phát triển hướng đi với bốn mục tiêu chiến lược phát triển xuyên suốt, toàn bộ chuỗi giá trị dược liệu Đảng sâm: nguyên liệu đầu vào; công nghệ; sản phẩm đầu ra; dịch vụ.

4. Kết luận và đề nghị

Cộng đồng dân tộc Cơ Tu sử dụng Đảng sâm làm thuốc chữa bệnh đã tồn tài từ lâu đời, được giữ kín và lưu truyền qua nhiều thế hệ theo kiểu gia truyền. Loài cây này bố tự nhiên tập trung chủ yếu ở 4 xã vùng núi cao (Tr’hy, Axan, Ch’ơm và Gary) của ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là các địa điểm đang được các cơ quan chức năng và người dân tộc Cơ Tu quan tâm gây trồng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tổng diện tích trồng Đảng sâm trên toàn huyện đến nay là 300,18 ha. Tuy nhiên, hoạt động gây trồng phát triển chưa bền vững, còn phụ thuộc vào kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và thiên nhiên.

Đảng sâm phân bố chủ yếu ở rừng thứ sinh, bìa rừng, ven suối, nương rẫy bỏ hóa, thoát nước tốt, độ cao trên 800 m so với mực nước biển. Tần số xuất hiện Đảng sâm tự nhiên là 11,33 cây/km, cây thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của địa phương. Tuy nhiên, số lượng cây trưởng thành còn ít (chiếm 41,62 %), tương ứng với mật độ 960 cây/ha. Mật độ cây tái sinh là 1.347 cây/ha (58,38 %), với mật độ này, nếu có biện pháp tác động hợp lý, có thể đảm bảo số lượng Đảng sâm trong tương lai.

Những kinh nghiệm về việc chọn giống, đất trồng, kỹ thuật trồng và chăm sóc Đảng sâm phù hợp với điều kiện tự nhiên, giúp người dân tộc Cơ Tu đem lại sản lượng cao. Đây là những kiến thức bản địa cần được bảo tồn, lưu trữ và nhân rộng trong tương lai.

Cần sớm triển khai thực hiện các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát triển cây Đảng sâm, đưa dược liệu Đảng sâm trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, trang 811 – 812.

2. Lê Quý Ngưu, Trần Thị Như Đức (1999). Dược tài đông . Nhà xuất bản Thuận Hóa, trang 449 – 450.

3. Sách đỏ Việt Nam (2007). Phần thực vật. NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, trang 152 – 153.

4. Nghị Quyết số 202/2016/NQ-HĐND. Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu ở tỉnh Quảng Nam.

5. Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang (2009). Đề án phát triển kinh tế – xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Tây Giang, giai đoạn 2009 – 2020, trang 8 – 12.

6. Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang (2011). Đề án phát triển cây bản địa (Ba kích, Đảng sâm, Tr’đin) trên địa bàn huyện Tây Giang giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn đến 2020.


Trần Công Định
(Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Quảng Nam)
Nguyễn Văn Lợi – Trần Minh Đức (Trường Đại học Nông Lâm Huế, Đại học Huế)

Ngày nhận bài: Tháng 2/2018
Người phản biện:
Ngày phản biện thông qua: Tháng 2/2018
Ngày duyệt đăng: Tháng 2/2018