BVR&MT – Nếu phát hiện cán bộ kiểm lâm sai phạm trong các vụ phá rừng, dứt khoát phải xử lý đến nơi đến chốn. Cạnh đó, phải làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã để xảy ra phá rừng trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phải công khai tiếp nhận tin báo qua e-mail để xử lý, ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng.
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ngay sau khi trực tiếp cùng các thành viên đoàn công tác của tỉnh này đến thị sát, kiểm tra hiện trường phá rừng phòng hộ thuộc huyện Đông Giang vào sáng 30/3.
Trước đó, từ sáng sớm 30/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh và các thành viên đoàn công tác của tỉnh này đã có mặt tại các khu vực rừng phòng hộ giáp ranh địa bàn xã Jơ Ngây và xã Tà Lu (huyện Đông Giang) vừa bị các đối tượng lâm tặc chặt phá. Tận mắt chứng kiến nhiều gốc cây rừng lớn bị đốn hạ, nhiều thành viên đoàn công tác đã bày tỏ sự bức xúc và đề nghị với đại diện UBND tỉnh phải kiên quyết xử lý, làm rõ các vụ phá rừng này.
Ngay sau khi đi kiểm tra hiện trường, đoàn công tác cũng đã nghe đại diện các cơ quan chức năng, đại diện 2 huyện Đông Giang, Nam Giang báo cáo về tình trạng phá rừng gần đây ở 2 địa phương này.
Theo ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 10/1/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam, lực lượng Kiểm lâm và các ngành chức năng đã tổ chức được gần 210 đợt tuần tra, kiểm soát lâm sản và truy quét phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; phát hiện 242 vụ vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm gồm 306 m3 gỗ các loại; 274,6kg động vật rừng cùng một số phương tiện, tang vật liên quan khác.
Qua kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng đã khởi tố 6 vụ án hủy hoại rừng; tiếp tục điều tra 20 vụ; kết thúc điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 4 vụ.
Với thực trạng các vụ phá rừng gần đây, theo ông Phan Tuấn, Kế hoạch số 147/KH-UBND đã kết thúc từ ngày 30/2/2018, song Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam kéo dài thời gian triển khai Kế hoạch đến ngày 30/5/2018.
Liên quan đến vụ phá rừng tại huyện Đông Giang, ông Hồ Văn Minh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn thừa nhận, đơn vị này có thiếu sót khi để xảy ra vụ phá rừng. Về trách nhiệm của mình, ông Minh cho rằng việc kiểm tra, giám sát chưa đến nơi đến chốn nên đã dẫn đến tình trạng phá rừng quy mô lớn.
Trong khi đó, nói về tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Nam Giang, Đại tá Lê Quang Vịnh, Trưởng Công an huyện Nam Giang cho biết, đơn vị này đã vừa triệt phá thành công chuyên án hủy hoại rừng, bắt giữ 7 đối tượng xảy ra tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 giáp ranh giữa 3 xã Zuôich, Tà Pơơ (huyện Nam Giang) và xã Lăng (huyện Tây Giang).
Đến ngày 29/3, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang đã chỉ đạo Công an huyện khẩn trương chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ tổ chức lực lượng phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung tiến hành điều tra, xác minh và củng cố hồ sơ có liên quan đến vụ phá rừng xảy ra tại xã Chà Vàl.
Theo Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, việc triển khai Kế hoạch 147 của UBND tỉnh được Công an tỉnh Quảng Nam chỉ đạo và đơn vị đã có kế hoạch đấu tranh hiệu quả với các vụ phá rừng trên địa bàn vừa qua.
Trong đó, riêng các vụ phá rừng xảy ra ở Đông Giang và Nam Giang, Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Công an các địa phương khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.
Trong thời gian tới, Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục quán triệt Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền cho quần chúng nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tàng trữ vũ khí để săn bắn trái phép; tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Đối với các vụ phá rừng, trong trường hợp cần thiết, Công an tỉnh Quảng Nam có thể rút lên xử lý điểm để biểu hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Sau khi nghe các ngành, địa phương báo cáo những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã chỉ đạo: Do Quảng Nam là địa phương có địa hình hiểm trở, rừng núi nhiều trong khi lực lượng quản lý rừng mỏng, vì thế các đơn vị, địa phương phải xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là việc làm thường xuyên, liên tục không chỉ trong thời gian thực hiện Kế hoạch 147 của UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng một cách khoa học, tổ chức triển khai trên thực tế phải phù hợp với điều kiện cụ thể; công tác tuần tra, phát hiện, xử lý vi phạm phải kịp thời, nhanh và đảm bảo tính nghiêm minh.
Riêng vụ phá rừng mới phát hiện xảy ra tại xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, Công an tỉnh Quảng Nam cần vào cuộc cùng Công an huyện Nam Giang và chính quyền địa phương xem xét tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ phá rừng để từ đó xử lý đúng việc, đúng người, đúng đối tượng, mang tính răn đe cao.
Cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam khẩn trương trực tiếp yêu cầu các Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng, kiểm lâm địa bàn báo cáo tự nhận trách nhiệm khi để xảy ra các vụ phá rừng trong lâm phận quản lý.
Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh chỉ đạo, nếu phát hiện cán bộ kiểm lâm sai phạm trong các vụ phá rừng, dứt khoát phải xử lý đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, phải làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã để xảy ra phá rừng trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phải công khai tiếp nhận tin báo qua e-mail để xử lý, ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng trong thời gian tới.
Cũng tại cuộc buổi làm việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã kêu gọi các cơ quan báo chí và quần chúng nhân dân tích cực tố giác các hành vi xâm hại rừng cũng như hiến kế trong việc quản lý, bảo vệ rừng, qua địa chỉ e-mail cá nhân: thanhquangnam70@gmail.com.
Trước đó vào chiều 29/3, qua trao đổi với đại diện UBND huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi được biết, lực lượng chức năng của huyện này vừa phát hiện vụ phá rừng phòng hộ trên địa bàn xã Tà Lu và Za Hung; bước đầu xác định, các đối tượng đã chặt hạ hàng chục cây gỗ chò, sơn đào, trám… rồi xẻ thành phách để vận chuyển đi tiêu thụ.
Đại tá Trần Đình Hùng, Trưởng Công an huyện Đông Giang cho biết, sáng 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi hủy hoại rừng để tiếp tục điều tra, mở rộng.
Theo Đại tá Trần Đình Hùng, đêm 8/1/2018, Công an xã Zà Hung, huyện Đông Giang phát hiện một vụ vận chuyển gỗ lậu nên đã báo cáo Công an huyện Đông Giang. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an nhận thấy đây có thể là một mắt xích trong đường dây phá rừng quy mô lớn trên địa bàn huyện Đông Giang nên đã xác lập chuyên án để đấu tranh. Qua nhiều ngày theo dõi, ngày 8/3/2018, Công an huyện Đông Giang bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng giáp ranh địa bàn xã Jơ Ngây và xã Tà Lu là Vũ Văn Cưng và Vũ Văn Trứng (cùng trú xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang).
Đến ngày 21 – 22/3/2018, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương huyện Đông Giang đã tiến hành khám nghiệm hiện trường. Theo đó, khu vực xảy ra phá rừng thuộc khoảnh 8, 9, 10, 11 Tiểu khu 41 xã Tà Lu; khoảnh 1, 3 Tiểu khu 140 xã Zà Hung, huyện Đông Giang. Qua thống kê ban đầu, tại các khu vực rừng bị phá có 33 gốc cây bị chặt hạ, trong đó có 28 gốc thuộc địa bàn xã Tà Lu; 5 gốc thuộc địa bàn xã Zà Hung với tổng khối lượng gỗ quy tròn khoảng 72m3.
Trong số các gốc cây bị chặt hạ, có 12 gốc nằm trên diện tích rừng do UBND xã Tà Lu quản lý, 21 gốc thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn quản lý.
Đến nay, bước đầu cơ quan Công an xác định có 5 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng này gồm Vũ Văn Cưng, Vũ Văn Trứng, Nguyễn Hồng, Bhnướch Hồng, A Ting Bnóc (cùng trú xã A Ting, huyện Đông Giang).
Trong khi vụ phá rừng tại huyện Đông Giang đang “nóng” và thu hút sự quan tâm của dư luận thì cùng ngày 29/3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, một vụ phá rừng khác tại huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) cũng đã được Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung phát hiện, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát chuyển vụ án đến Công an huyện Nam Giang để tiếp tục điều tra, xử lý.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, vào ngày 7/3/2018, Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung kiểm tra, phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335 (thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang), thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Sau đó, từ ngày 21 – 27/3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung phối hợp các ngành chức năng huyện Nam Giang tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ vi phạm và xác định có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào).
Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 235m3, trong đó gỗ lim xanh hơn 223m3 và gỗ xoan đào gần 12m3; khối lượng gỗ còn tại hiện trường 126m3 gỗ tròn và khoảng 4m3 gỗ xẻ.