BVR&MT – Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ. Tỉnh được phân bổ 80% kinh phí từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên với trên 235 tỷ đồng, cao thứ 2 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
Quảng Bình hiện có hơn 650 ngàn ha rừng và đất chưa có rừng. Trong đó diện tích có rừng đứng thứ hai trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ tương đối cao, là nơi có khu hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm, đặc trưng điển hình về bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học là Khu di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong.
Tiềm năng tạo tín chỉ các-bon rừng
Xác định tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ các-bon rừng, Quảng Bình đã sớm đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác các -bon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng thế giới tài trợ. Tỉnh Quảng Bình đã thực hiện và đạt được các mục tiêu, hoạt động của Dự án liên quan đến chính sách, kỹ thuật và truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và REDD+ làm cơ sở, điều kiện để thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho giai đoạn 2023-2025.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Trần Quốc Tuấn, Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ. Đó là kết quả của quá trình tham gia thực hiện Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” tại Quảng Bình qua 02 giai đoạn: Từ tháng 3/2013 đến tháng 8/2016 và từ tháng 11/2016 đến tháng 6 – 2020. Vừa qua, tỉnh Quảng Bình được phân bổ 80% kinh phí từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên với trên 235 tỷ đồng, cao thứ 2 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
Theo Kế hoạch tài chính năm 2023, tỉnh Quảng Bình chi trả hơn 80 tỷ đồng cho các đối tượng hưởng lợi, bao gồm: 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 Ủy ban Nhân dân cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng. Hiện tại, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thực hiện chi trả kinh phí cho các đối tượng hưởng lợi số tiền trên 72 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch. Kinh phí còn lại chưa chi trả sẽ được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024 để tiếp tục chi trả theo quy định.
Nguồn thu từ ERPA bước đầu đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng tự nhiên đã có thêm nguồn kinh phí để quản lý bảo vệ rừng; việc triển khai thực hiện ERPA đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Để khai thác tiềm năng tạo tín chỉ các-bon rừng, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục bảo vệ và phát triển bền vững các diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng tự nhiên theo hướng nâng cao chất lượng rừng. Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, gắn với xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào quản lý, bảo vệ rừng, sản xuất nguyên liệu, chế biến sản phẩm lâm nghiệp; bảo tồn, phát huy tính đa dạng sinh học, gắn với phát triển hợp lý du lịch sinh thái, xây dựng các mô hình lâm nghiệp tổng hợp đạt hiệu quả. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng trên địa bàn tỉnh để tham gia thị trường các-bon trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, đơn vị đã tham mưu tỉnh xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Điều tra rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nội dung tổ chức điều tra sinh khối và trữ lượng các bon rừng nhằm phục vụ công tác quản lý rừng, tạo cơ sở dữ liệu để khai thác tiềm năng tín chi các-bon rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Hợp tác, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính (KNK) từ việc thực hiện các hoạt động trồng rừng mới theo tiêu chuẩn quốc tế về tạo tín chỉ các-bon, trong đó đảm bảo tiêu chí rừng được trồng trên đất không có rừng trong 10 năm.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, đơn vị thường xuyên đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải KNK từ việc thực hiện các hoạt động chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn trên diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC/PEFC. Đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải KNK từ việc thực hiện các hoạt động trồng và phục hồi rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Song song với đó, Sở đã tổ chức tham vấn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan để tham vấn về các kết quả đánh giá và đề xuất hoạt động nhằm phát triển dự án tín chỉ các-bon rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về khó khăn trong việc chi trả giảm phát thải ERPA, đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho rằng, đây là nội dung mới, địa phương đã và đang thực hiện thí điểm, nên trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc: Tại điểm c khoản 2 Điều 3 quy định nguyên tắc “chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước”. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách hiện hành thông qua các chương trình, dự án. Nếu thực hiện theo quy định nêu trên thì sẽ có rất ít diện tích để thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng. Tại khoản 2 Điều 5 quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư, trong khi đó, thực tế tại tỉnh Quảng Bình diện tích rừng tự nhiên chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt – Lào là những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống. Do vậy, chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư.
Cũng theo đồng chí Trần Quốc Tuấn, về hạn mức khoán cho cộng đồng dân cư thôn được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định số 168/2016/NĐ-CP, cụ thể: Tổng diện tích khoán không vượt quá tổng diện tích bình quân mỗi hộ gia đình trong cộng đồng không quá 30 héc ta tại thời điểm hợp đồng khoán. Thực tế, quy định về hạn mức khoán như vậy sẽ dẫn đến một số bất cập như: Không đáp ứng được nhu cầu nhận khoán của cộng đồng, hạn chế thu nhập của cộng đồng dân cư từ bảo vệ rừng. Đồng thời, diện tích rừng được bảo vệ từ nguồn chi trả giảm phát thải khí nhà kính không được nhiều, khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn này./.