BVR&MT – Những năm qua, tỉnh Quảng Bình phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường biển, đầu tư công thắt chặt, nguồn vốn… Tuy nhiên, nỗ lực vượt qua những khó khăn đó, tỉnh Quảng Bình đã triển khai có hiệu quả việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, từ năm 2014, tỉnh Quảng Bình bắt đầu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2014 – 2020. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp chiều sâu của địa phương.
Qua thời gian thực hiện, đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, tinh thần nhân dân, bộ mặt nông thôn từng bước cải thiện. Năm 2017, tổng sản phẩm (GRDP) nông-lâm-ngư nghiệp đạt hơn 5.630 tỷ đồng, chiếm 18,4% GRDP toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng. Nền nông nghiệp chuyển mạnh từ sản lượng sang chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao.
Một trong những điểm nổi bật của kết quả tái cơ cấu phải kể đến là lĩnh vực thủy sản với sự phát triển đồng bộ cả khai thác lẫn nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hoạt động khai thác xa bờ phát triển mạnh, nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bền vững. Năm 2017, tổng sản lượng thủy sản trên 71.000 tấn, giá trị sản xuất đạt hơn 2.150 tỷ đồng, tăng 19,6% so với 2013.
Lâm nghiệp cũng có nhiều thành tựu, từng bước xã hội hóa, rừng được bảo vệ và phát triển, với độ che phủ đạt 67% (đứng thứ 2 toàn quốc). Trồng rừng gỗ lớn bước đầu phát triển, góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người dân miền núi. Sản xuất cá thể nhỏ lẻ từng bước chuyển sang sản xuất hợp tác, liên doanh, liên kết, tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Các mặt hàng nông sản như nấm sạch Tuấn Linh, rau sạch An Nông, tinh dầu lạc Nguồn Son, Phong Nha, tiêu Phú Quý… xây dựng được thương hiệu và niềm tin trên thị trường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn; kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại được quan tâm đầu tư. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện rõ nét, thu hút nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư cho hơn 41 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 2.240 tỷ đồng.
Mặt khác, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới có hiệu quả được nhân rộng, hướng tới nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Điển hình như quy trình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP trong sản xuất dưa hấu tại xã Hàm Ninh – Quảng Ninh, rau xanh các loại ở Cam Thủy – Lệ Thủy, Công ty An Nông – Bố Trạch, trồng tỏi ở xã Quảng Hòa – Ba Đồn; một số mô hình ứng dụng công nghệ cao như hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang – Lệ Thủy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn rau sạch Đông Dương – Đồng Hới; sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel cho trồng hồ tiêu, cây ăn quả…
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, tạo chuyển biến về nhận thức đối với các cấp, các ngành và nhân dân. Hiện toàn tỉnh có 52 xã đạt nông thôn mới; trong đó, có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2016 – 2020, không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Đặc biệt, tỉnh đã khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tự giác tham gia của người dân và cộng đồng dân cư. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, ngày càng khang trang, văn minh; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Thu nhập bình quân/năm khu vực nông thôn năm 2018 đạt 27,75 triệu đồng/người/năm, gấp 1,8 lần so với năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (năm 2017 là 8,8%).
Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu, ngành nông nghiệp địa phương cũng thừa nhận một số hạn chế như: sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; việc chuyển đổi cơ cấu hiệu quả mang lại chưa cao; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn, công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế. Nuôi trồng thủy sản phát triển chưa bền vững; năng suất, chất lượng rừng còn thấp, chủ yếu là sản phẩm gỗ nhỏ; áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn thấp; công nghệ thu hoạch, bảo quản, cơ sở chế biến nông lâm sản còn ít, quy mô nhỏ. Hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ thị trường cũng còn nhiều hạn chế…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Phan Văn Khoa, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; đồng thời, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân từ 4-4,5%/năm giai đoạn 2018 – 2020; năm 2020, cơ cấu nông-lâm-ngư chiếm 18% GRDP toàn tỉnh; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2017, 59% xã đạt tiêu chí nông thôn mới…
Để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, thời gian tới, Quảng Bình tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất. Các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả được đổi mới; đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, phù hợp với nhu cầu thị trường, biến đổi khí hậu. Nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn được huy động; đặc biệt quan tâm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, mang tính đặc trưng của tỉnh, như nước mắm, mực khô, lúa gạo, cao su, bò zebu, gà chất lượng cao…
Cùng với đó, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được chú trọng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Quảng Bình sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…