BVR&MT – Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, phương pháp bẫy ảnh được áp dụng tại khu rừng Động Châu-Khe Nước Trong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) thu được nhiều kết quả tích cực khi phát hiện nhiều loài thú quý hiếm.
Kết quả thu được góp phần khẳng định mức độ đa dạng sinh học ở khu rừng này rất cao, xứng đáng là khu bảo tồn thiên nhiên cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt đã phối hợp với các đơn vị chức năng ở tỉnh Quảng Bình thực hiện 30 đợt đặt bẫy ảnh ở Khu rừng Động Châu-Khe Nước Trong trên phạm vi hơn 130 km2.
Với 33.500 ngày đêm hoạt động của máy bẫy ảnh, thu được trên 36.000 ảnh động vật đã ghi nhận 71 loài động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có 32 loài thú, 37 loài chim và 2 loài bò sát.
Điều đáng quan tâm, nhiều loài động vật phát hiện được đang nằm trong diện nguy cấp cần bảo vệ cao trên toàn cầu như sao la, tê tê java, mang lớn.
Cá biệt hơn có 3 loài động vật quý hiếm là mang Trường Sơn, cầy gấm, triết bụng vàng lần đầu được ghi tại khu vực khảo sát. Trong đó, loài mang lớn được ghi nhận lần thứ 2 ở Việt Nam nhờ bẫy ảnh.
Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình chia sẻ thực hiện bẫy ảnh tại Khu rừng Động Châu-Khe Nước Trong đã phát hiện được nhiều loài động vật quý hiếm, đặc hữu có giá trị khoa học toàn cầu, càng khẳng định mức độ đa dạng sinh học cao ở khu rừng này.
Vì vậy, trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học ở nơi này là cấp thiết, cần được các cấp, ngành, đơn vị chức năng quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa.
Khu rừng Động Châu-Khe Nước Trong nằm ở huyện Lệ Thủy, phía Tây Nam tỉnh Quảng Bình, giáp biên giới Việt-Lào và khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị).
Khu vực này chủ yếu là rừng nhiệt đới thường xanh nằm trong một vùng sinh thái rừng tự nhiên rộng lớn với khoảng 500.000ha.
Đây là một trong những diện tích rừng tự nhiên liên tục rộng lớn nhất ở Việt Nam, được phát hiện chỉ tồn tại ở một vài khu vực dọc biên giới Việt-Lào và ở Tây Nguyên.
Riêng khu vực rừng Khe Nước Trong cũng bảo tồn được một diện tích tương đối lớn kiểu rừng nhiệt đới thường xanh tương đối nguyên sinh trên vùng đất thấp.
Đây là kiểu rừng đã trở nên rất hiếm ở Việt Nam do chúng bị tác động mạnh và bị thu hẹp ở các vùng khác trên toàn quốc.
Trong những năm qua, tài nguyên rừng và các giá trị đa dạng sinh học trong khu vực Động Châu-Khe Nước Trong được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng ở Quảng Bình tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, các giá trị đa dạng sinh học tại khu vực này vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá.
Nhiều nhà khoa học dự đoán đây là khu vực có giá trị đa dạng sinh học, cần bảo tồn ở mức độ cao.
Riêng khu vực rừng Khe Nước Trong còn được tổ chức Bảo tồn Chim Thế giới công nhận là một trong 62 vùng chim quan trọng và đặc hữu của Việt Nam.