BVR&MT – Dù đã bước sang trung tuần tháng 8, nhưng miền trung nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng vẫn trong cao điểm của mùa nắng nóng, cháy rừng đã xảy ra ở nhiều nơi. Ðể bảo vệ an toàn những cánh rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các lực lượng, địa phương huy động toàn bộ số lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó kịp thời nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Trưa 9/8, rừng trồng tại khoảnh 6, tiểu khu 150, thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Ðông, huyện Quảng Trạch bị cháy.
Nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân huyện huy động lực lượng phối hợp với xã Quảng Ðông và đơn vị chủ rừng nhanh chóng đến hiện trường chữa cháy, đến 19 giờ 30 phút cùng ngày đám cháy cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, gió phơn thổi mạnh, cho nên sáng 10/8 một số đám cháy bùng phát trở lại.
Ủy ban nhân dân (UBND) huyện đã chỉ đạo các đơn vị huy động thêm lực lượng bổ sung vào các tổ để tập trung chữa cháy. Các đơn vị bộ đội biên phòng, hải quân đóng quân trong khu vực đã cử cán bộ, chiến sĩ và nhiều phương tiện, thiết bị tham gia dập lửa. Công an Quảng Bình huy động nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ leo đến lưng chừng đồi để bơm nước chữa cháy.
Với sự nỗ lực, cơ động của các lực lượng chữa cháy, đến chiều cùng ngày vụ cháy rừng trồng được khống chế hoàn toàn.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra sáu vụ cháy rừng với diện tích gần 30 ha, làm thiệt hại gần 15 ha rừng trồng tại các xã Hải Ninh, Võ Ninh (Quảng Ninh), Ngư Thủy (Lệ Thủy), Quảng Ðông (Quảng Trạch). Ngoài ra, còn có một số điểm phát lửa trong rừng hoặc khu vực cây bụi, lau lách được lực lượng ở các đơn vị, địa phương dập tắt kịp thời nên chưa cháy lan sang cây rừng.
Theo Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ðồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình Ðinh Thanh Quang, hiện đơn vị quản lý hơn 10.000 ha rừng trồng ven biển trên cát cho nên luôn thường trực nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng. Ngay từ đầu năm 2024, Ban quản lý đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với việc thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức, tính tự giác và sự ủng hộ của người dân phòng chống cháy rừng, đơn vị ký cam kết phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với chính quyền địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân sống gần rừng và ven rừng. Khi xảy ra cháy rừng, các bên liên quan cùng phối hợp kịp thời dập lửa và huy động người dân cùng tham gia chữa cháy.
Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười (huyện Quảng Ninh) Trần Văn Châu cho biết, khu vực rừng phòng hộ trên cát phía nam tỉnh Quảng Bình mà đơn vị được giao quản lý đều có hoặc gần các khu dân cư, lại có tuyến tránh Quốc lộ 1A xuyên qua, cho nên nhiều phương tiện dừng chân cho khách nghỉ ngơi, hút thuốc gây nguy cơ cháy rừng rất cao; người dân đốt ong, đốt vàng mã ở các nghĩa trang, đốt rác vô ý cũng có thể gây cháy rừng. Vì thế đơn vị thành lập các tổ cơ động để tuần tra, kiểm tra rừng ở các khu vực được “khoanh đỏ” để đề phòng ngọn lửa bùng phát; các chòi canh trên cao cũng luôn có người trực dùng ống nhòm quan sát để kịp phát hiện ra điểm có khói bốc lên và điện báo cho lực lượng cơ động đến ứng cứu.
Ở phía tây Quảng Bình, công tác phóng cháy, chữa cháy trên những cánh rừng đặc dụng cũng không kém phần vất vả nhưng được thực hiện với quyết tâm cao nhất để giữ bình yên cho rừng di sản.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng Phạm Văn Tân cho biết, đơn vị được giao, quản lý, bảo vệ hơn 123.326 ha rừng đặc dụng, hơn 3.153 ha rừng phòng hộ và 20 ha rừng sản xuất. Hiện trạng tài nguyên rừng phần lớn là rừng giàu và rừng trung bình được bảo vệ nghiêm ngặt cho nên ít có nguy cơ cháy rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng nghèo, rừng nghèo kiệt tiếp giáp với các khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp, nương rẫy là những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy.
Ðể chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Vườn quốc gia đã thành lập 50 tổ phòng cháy, chữa cháy với gần 550 người tham gia, trong đó nòng cốt là cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm Vườn. Công tác này còn có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan, đơn vị, lực lượng dân quân của các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa.
Ðể chủ động trong mọi tình huống, Hạt Kiểm lâm Vườn xác định địa bàn trọng điểm cháy rừng, trên cơ sở đó lập bản đồ phân vùng, có phương án cụ thể và cử lực lượng ứng trực 24/24 giờ.
Ngoài ra còn có lực lượng thường trực, sẵn sàng chữa cháy khi bùng phát ngọn lửa. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị của Vườn và doanh nghiệp khai thác du lịch trong phạm vi của Vườn quốc gia tuyên truyền đến du khách, người dân ý thức chấp hành phòng chống cháy rừng; kiểm soát các hoạt động đốt nương làm rẫy, du lịch cá nhân trái phép…
Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Văn Long cho biết, thời gian gần đây, các đơn vị chủ rừng và địa phương trong tỉnh đã áp dụng biện pháp ứng dụng kỹ thuật số vào phát hiện cháy rừng. Các Hạt Kiểm lâm thường xuyên sử dụng thiết bị bay không người lái để phát hiện cột khói ở các vùng rừng có nguy cơ cháy rất cao. Ở phía tây Ðồng Hới, chính quyền thành phố đã đưa hệ thống giám sát và cảnh báo cháy rừng vào hoạt động rất hiệu quả. Khi phát hiện khói, hệ thống tự động gửi thông tin định vị và hình ảnh vào điện thoại di động của cán bộ ở bộ phận thường trực phòng cháy, chữa cháy rừng, từ đó kịp thời triển khai công tác dập lửa để hạn chế thiệt hại. Hệ thống này cung cấp thông tin vừa chính xác, vừa ít tốn thời gian nên từ khi phát hiện đến ứng cứu, dập lửa tốn rất ít thời gian, hiệu quả chữa cháy cao.
Từ kinh nghiệm chữa cháy rừng của mình, gần đây, ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Bình sáng tạo ra mô hình chữa cháy rừng cơ động, giá rẻ (khoảng 30 triệu đồng/hệ thống) nhưng có thể đưa nước lên trên đồi cao và vào sâu trong khu vực rừng bị cháy để dập lửa.
Cụ thể, trên từng chiếc xe bán tải hoặc xe tải nhỏ của Hạt Kiểm lâm cấp huyện, các chiến sĩ kiểm lâm mua một động cơ xăng, đầu bơm nước có ba van, bồn chứa nước dung tích từ 500-2.000 lít, lô cuốn và dây dẫn nước 300m lắp đặt trên thùng xe. Khi nguy cấp, hệ thống bơm có thể dùng tới ba đầu bơm để dập lửa nhanh hơn.
Ðồng thời, để cấp nước liên tục cho bồn chứa trên xe ô-tô, đơn vị kiểm lâm tổ chức các xe máy vận chuyển bằng can (có các giá nên khá dễ dàng và an toàn) để bảo đảm có đủ nước dập tắt hoàn toàn ngọn lửa. Mô hình này phát huy hiệu quả trong các vụ chữa cháy rừng vừa qua ở Quảng Bình nhờ tính cơ động trên mọi địa hình và đang được Cục Kiểm lâm nhân rộng trong toàn quốc.