BVR&MT – Trong những năm qua, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã huy động nguồn lực từ nhiều phía, thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo.
Trong đó một nguồn lực quan trọng đó là vốn từ dự án giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB) đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Từ năm 2016 xã Vàng San của huyện Mường Tè được trực tiếp tham gia vào dự án giảm nghèo bền vững. Ban đầu với tổng số vốn được cấp gần 3 tỷ đồng, Đảng ủy, chính quyền xã Vàng San đã hỗ trợ các hộ nghèo một số giống vật nuôi như lợn, trâu, bò, dê và gia cầm.
Cùng với đó, các công trình nước sinh hoạt, công trình phụ trợ của trường mầm non, công trình đường giao thông nội đồng trên địa bàn xã cũng được tu sửa. Tính đến hết năm 2016, xã đã giải ngân được trên 770 triệu đồng với tổng số 701 hộ được trực tiếp hưởng lợi. Nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo bền vững ấy đã tạo sinh kế cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế .
Anh Lù Văn Chiến, bản Nà Pầy, xã Vàng San, huyện Mường Tè chia sẻ: Trước kia dân bản phát triển kinh tế nhưng chưa đạt hiệu quả. Được Nhà nước quan tâm, dân bản đã được hỗ trợ thêm giống để phát triển chăn nuôi cũng như được làm quen với những cách chăn nuôi phù hợp.
Ông Trần Văn Đôn, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng San, huyện Mường Tè cho hay: Từ khi thực hiện đầu tư nguồn vốn giảm nghèo của WB, đời sống người dân trong xã đã có sự thay đổi rất nhiều. Nhiều hộ có thêm điều kiện để mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình, có vốn để đầu tư thêm cho chăn nuôi, phát triển kinh tế. Thời gian tới, xã tiếp tục duy trì, nhân dân và phát triển hơn nữa những mô hình chăn nuôi, nông nghiệp phù hợp với thực tế của địa phương, thông qua nguồn vốn đã được nhà nước đầu tư.
Dự án Giảm nghèo giai đoạn II (2010 – 2015) được triển khai thực hiện tại 67 bản khó khăn thuộc 6 xã của huyện Mường Tè, với tổng số vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Dự án bao gồm 4 hợp phần là: Hợp phần phát triển kinh tế huyện; ngân sách phát triển xã; nâng cao năng lực thể chế và quản lý dự án với 1.091 tiểu dự án.
Sau 5 năm thực hiện, các hợp phần của dự án được thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở các xã của huyện. Đến nay, trên địa bàn các xã có trên 97 km đường giao thông phục vụ nhu cầu đi lại trong đó bê tông hóa được 12,08 km; trên 90% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia; đa số các hộ được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Hệ thống thuỷ lợi đáp ứng tưới tiêu cho diện tích đất sản xuất; các phòng học, công trình phụ trợ phục vụ cho giáo dục cũng được đầu tư xây dựng.
Theo đánh giá của chính quyền huyện Mường Tè, Dự án giảm nghèo là dự án phân cấp quản lý cho địa phương hiệu quả nhất từ trước tới nay, mang lại hiệu quả lớn về phát triển kinh tế – xã hội, làm thay đổi cơ bản bộ mặt kinh tế nông thôn miền núi, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng dự án giảm từ 88,48% xuống còn 69,64%. Việc hỗ trợ tư vấn nâng cao năng lực cấp xã làm chủ đầu tư dự án cũng được chú trọng. Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện tốt đã từng bước tạo điều kiện cho người dân được tham gia ngay từ đầu, nhất là trong khâu lựa chọn các hạng mục công trình ưu tiên để đầu tư xây dựng sao cho phù hợp và hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Giảm nghèo huyện Mường Tè cho biết: Từ khi được đầu tư nguồn vốn WB, đời sống đồng bào dân tộc, vùng dân tộc thiểu số trong huyện đã có nhiều chuyển biến. Đồng bào đã biết thâm canh cây lúa, trồng cây ăn quả, trồng rừng phát triển kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, đời sống của trên 3.000 hộ dân được trực tiếp hưởng lợi đã dần thay đổi.
Dự án giảm nghèo là dự án đã mang lại hiệu quả lớn về phát triển kinh tế – xã hội, qua đó góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới…
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, huyện Mường Tè phấn đấu từ nay đến năm 2020 đưa huyện trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, bên cạnh việc thực hiện hiệu quả dự án giảm nghèo giai đoạn III, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo; tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính trị ở cơ sở mà quan trọng hơn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân có ý thức tự lực vươn lên trong phát triển sản xuất để sớm thoát đói nghèo.