BVR&MT – Tại buổi Tọa đàm “Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý” diễn ra sáng 25/2, giới chuyên gia cho rằng nguồn thu từ khoáng sản phải được tái đầu tư, có khi đắt cũng không nên bán.
Thảo luận tại buổi Tọa đàm “Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý” diễn ra sáng 25/2, giới chuyên gia cho rằng tài nguyên khoáng sản là “câu chuyện sống” còn của quốc gia, không đơn thuần chỉ là khai thác để phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế, mà đó còn là tiềm năng để tái đầu tư, phát triển du lịch bền vững như Cao nguyên đá Đồng Văn, hay không gian non nước Cao Bằng…
Vì thế, nguồn thu từ khoáng sản phải được tái đầu tư cho phát triển bền vững theo hướng du lịch, biến tiềm năng thành động năng và “có khi đắt cũng không nên bán!”
Luật đã rõ nhưng vẫn lo
Theo ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hiện nay, sau một thời gian dài thay đổi từ Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản năm 1989, Luật Khoáng sản năm 1996 đến Luật Khoáng sản năm 2010 cùng với gần 50 Thông tư,… hệ thống chính sách, các quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản đã cơ bản hoàn thiện.
Đây là hành lang pháp lý quan trọng để đưa ngành công nghiệp khai khoáng phát triển theo hướng bền vững. Nguồn lực khoáng sản đã cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác phát triển với hàng chục triệu tấn than sạch, trăm triệu m3 đá làm nguyên liệu xi măng mỗi năm, chưa kể dầu khí và các loại khoáng sản khác…
Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận vẫn còn những bất cập trong công tác quản lý cũng như việc khai thác khoáng sản ở nhiều nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là cát sỏi lòng sông, than, hay khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng…
Chính vì vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ đầu tiên cần phải đánh giá tiềm năng của nguồn tài nguyên khoáng sản, đánh giá đúng nguồn lực của đất nước thông qua công tác điều tra, thống kê, kiểm kê, trên cơ sở đó đề xuất các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý cụ thể.
Đối với tình trạng khai thác, xuất khẩu lậu tài nguyên khoáng sản trong thời gian qua, ông Thanh thừa nhận việc xác định hành vi vi phạm, hay chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm cũng chưa đủ sức răn đe. Xuất phát từ thực tế này, Chính phủ đã lần lượt ban hành Nghị định 142, sau đó thay đổi bằng Nghị định số 33 về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.
Nhờ đó, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đã có những chuyển biến nhất định. Minh chứng là, từ năm 2012 đến nay, số vụ vi phạm khai thác khoáng sản giảm đáng kể theo từng năm.
“Dù vậy, thực tế vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định mới về quản lý tài nguyên khoáng sản thay thế Nghị định số 33,” ông Thanh nhìn nhận.
Ở góc độ nghiên cứu chính sách, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh (Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường) thừa nhận trong thực tiễn quản lý vẫn có những điều chưa phù hợp, song cần nhìn tổng thể về nền kinh tế chứ không nên chỉ nhìn ở một khía cạnh bất cập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa chuyển sang cơ chế kế hoạch hóa tập trung, phát triển theo hướng cơ chế thị trường, đòi hỏi cần phải gỡ từng bước một.
Theo ông Chinh, khoáng sản là loại đầu vào rất quan trọng của các ngành kinh tế. Vì thế nếu tháo gỡ được những nút thắt của cơ chế còn vướng mắc thì sẽ đảm bảo được nguồn lực, cũng như chi phí trong bối cảnh thị trường cạnh tranh. Mặt khác, khoáng sản là tài sản chung thuộc sở hữu toàn dân, nên khi đưa vào phát triển kinh tế cũng cần đảm bảo thu lại vốn của thiên nhiên, bởi khoáng sản là hữu hạn.
“Vì thế trong bài toán kinh tế thị trường, chúng ta cần cân nhắc loại khoáng sản nào có tính chất chiến lược cần phải khai thác sử dụng, nếu rẻ thì có thể mua, loại khoáng sản nào quan trọng thì đắt cũng không nên bán,” ông Chinh nhấn mạnh.
Xác định nguồn lực để khai thác hợp lý
Ông Lại Hồng Thanh nhấn mạnh tài nguyên khoáng sản là nguồn lực không thể tái tạo nên cần phải có hướng khai thác bền vững. Đó cũng là lý do cần phải xác định được tiềm năng, nguồn lực cụ thể để có hướng khai thác hợp lý.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản cần phải có trách nhiệm khai thác triệt để khoáng sản trong lòng đất, kể cả khoáng sản nghèo (nghĩa là thu hồi tất cả các các loại khoáng sản lên khỏi mặt đất và sử dụng đúng, sử dụng có kế hoạch).
“Việc này đòi hỏi chúng ta cần phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách pháp luật về khoáng sản, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước giao ‘tài sản công được sở hữu toàn dân’ để khai thác thì phải hài hòa giữa lợi ích giữa các bên,” ông Thanh nói.
Ngoài việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, theo phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, để quản lý và khai thác bền vững nguồn lực này, giải pháp trước tiên cần hướng tới là phải biết được tiềm năng, trữ lượng cụ thể.
“Thứ hai là biết được dự báo thị trường dài hạn. Ví dụ thị trường khoáng sản là đá vôi. Nguyên liệu làm đường cũng từ đá vôi, xi măng cũng từ đá vôi, phát triển cho du lịch từ các hang động cũng từ đá vôi. Vậy trong 3 thị trường này, chúng ta nên chọn thị trường nào để phát triển hiệu quả?,” ông Chinh nói vẫn dẫn chứng “đơn giản như núi đá vôi ở Hải Phòng có những rãnh rất đẹp, có thể tận dụng phát triển du lịch,… còn nếu khai thác rỗng thì bao nhiêu tiền cũng không mua lại được.”
“Ngoài ra cũng có những cách tiếp cận mới hiện nay như vẫn khai thác mỏ nhưng sau khai thác có thể biến những khu mỏ lộ thiên thành hồ tích trữ nước mưa để sử dụng và phát triển du lịch, chứ không nhất thiết phải lấp lại,” ông Chinh chia sẻ.
Một giải pháp khác mang tính “sống còn” của quốc gia được ông Chinh nhắc đến là dự trữ tài nguyên khoáng sản và phải được tái đầu tư cho phát triển. Vì thế, “có khi đắt cũng không nên bán mà dự trữ lâu dài cho mai sau.”
Có chung quan điểm, ông Lại Hồng Thanh cho rằng chỉ nên cân đối khai thác đủ dùng, còn sau đó nên phát huy nguồn lực này vào tái đầu tư. Bởi lẽ, tài nguyên khoáng sản không đơn thuần là phục vụ cho mục đích khai thác, mà nó còn là tiềm năng để phát triển du lịch.
Biến tiềm năng thành động năng
Ngoài việc xác định nguồn lực, ông Chinh cho rằng việc quản lý, phát triển tài nguyên khoáng sản theo hướng chuyển từ tiềm năng thành động năng là vô cùng cần thiết.
“Trong quá trình khai thác, nếu giá trên thị trường rẻ hơn thì chúng ta đi mua, còn tiềm năng chúng ta cứ để đấy. Điều này chúng ta cũng cần học thêm kinh nghiệm từ quốc tế để tích trữ những nguồn tài nguyên khoáng sản thiết yếu, cần thiết cho mai sau theo hướng bền vững,” ông Chinh khuyến nghị.
Đồng tình, ông Lại Hồng Thanh cho hay có thể thấy các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã quan tâm đầu tư hơn tới công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng lưu ý các mỏ khoáng sản rồi sẽ cạn kiệt, lúc đó sẽ phải đóng cửa. Vì thế, sau khi đóng cửa mỏ cần chuyển sang bước tiếp theo, ví dụ như phát triển du lịch. Hiện nay, một số khu vực đã chuyển khai thác mỏ sau khi đóng cửa sang phát triển du lịch như khu du lịch Bửu Long, tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, để thực hiện đúng lộ trình đến năm 2050 Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững, ông Thanh bày tỏ quan điểm cần phải có đánh giá dài hạn hơn trong việc tiếp cận, sử dụng, hướng tới giải pháp dự trữ lâu dài. Hiện Việt Nam cũng đã dự trữ hơn 10 loại khoáng sản khác nhau, có những loại về mặt chiến lược lâu dài có giá cao cũng không bán.
“Chúng ta cũng cần phải hoàn thiện thể chế, tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, kiểm soát sản lượng khai thác thực tế để đảm bảo tránh thất thoát sản lượng, cũng như phát triển theo hướng bền vững ngay cả khi đóng cửa mỏ, không thể để lại hậu quả cho người dân địa phương,” ông Thanh nói thêm./.
Qua thanh tra chuyên đề việc chấp hành quy định của pháp luật về khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng của các doanh nghiệp trên cả nước trong năm 2019, mới đây, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã công bố “danh sách đen” doanh nghiệp khai thác đá làm xi măng có nhiều vi phạm trong hoạt đông khai thác như: Công ty cổ phần xi măng Sông Lam và Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam 2 (cùng thuộc Tập đoàn The Vissai); Công ty cổ phần xi măng Fico Tây Ninh; Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên; Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1…