BVR&MT – Ngày 2/8 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học “Quản lý rừng bền vững trong bối cảnh Luật lâm nghiệp mới – Cơ hội và thách thức và khuyến nghị chính sách” do Trung ương hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (VIFA) cùng Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (TROPENBOS) phối hợp tổ chức.
Chủ trì hội thảo có PGS.TS Hà Thị Mừng – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, TS. Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, PSG.TS Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PSG.TS Triệu Văn Hùng cho biết, hội thảo nhằm phổ biến chia sẻ thông tin mới nhất về Luật Lâm nghiệp. Trong đó, đề cập đến những cơ hội, thách thức của luật. Thông qua hội thảo lần này, cũng cần những chia sẻ tham vấn từ các nhà khoa học và những bên liên quan thuộc lĩnh vực lâm nghiệp từ đó có những dự thảo đóng góp để có những khuyến nghị chính sách phù hợp đi vào đời sống.
Luật Lâm nghiệp cơ hội và thách thức
Trong thời gian diễn ra hội thảo, TS. Nguyễn Phú Hùng Vụ trưởng vụ khoa học công nghệ và HTQT, Tổng cục Lâm nghiệp, đã giới thiệu Luật lâm nghiệp và Nghị định quy định thi hành chi tiết một số điều của Luật. Trong đó đã nêu lên sự cần thiết của Luật Lâm nghiệp đối với kinh tế – xã hội. Trong hơn 30 đổi mới 1986 – 2017 nhận thức về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường rừng, trong đó thực hiện quản lý rừng theo nguyên tắc bền vững đã được nâng lên và thể hiện rõ nét trong chủ trương, chính sách lâm nghiệp; tài nguyên rừng được phục hồi và phát triển nhanh, tăng từ 12,306 triệu ha năm 2004 tăng lên 14,415 triệu ha vào năm 2017; tương ứng độ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 37% lên 41,45%.
Ngoài ra, còn một số thách thức là là xu hướng biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam dự báo là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng; bất cập giữa yêu cầu phát triển ngành lâm nghiệp nhanh, toàn diện và bền vững với các nguồn lực của ngành, đặc biệt là vốn đầu tư ngành lâm nghiệp còn hạn chế; Dân số tăng, nhu cầu chuyển đổi đất lâm nghiệp thành đất khác tăng mạnh; Lâm nghiệp gặp khó trong việc quy hoạch và chọn cây giống phù hợp cho trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.
Việc tổ chức Hội thảo nhằm giúp nhà khoa học, các bên liên quan nhà nước và các tổ chức nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người làm thực tiễn trong lĩnh vực Lâm nghiệp trao đổi, thảo luận để làm rõ các quan điểm, tinh thần và nội dung đổi mới trong luật. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, nghiên cứu, giảng dạy theo đúng tinh thần cải cách Luật lâm nghiệp.
Sinh kế của đồng bào và các dân tộc thiểu số gắn liền với rừng
Trong các chương trình hội thảo của Hội KHKT Lâm Nghiệp Việt Nam, các nhà khoa học luôn quan tâm đến vấn đề sinh kế của đồng bào miền núi và các dân tộc thiểu số sinh sống và gắn liền với Lâm nghiệp. Đại học Lâm nghiệp đã có tham luận về việc ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp là hết sức cần thiết để đi vào đời sống. Bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và có những tác động tiêu cực đến đời sống cũng như sản xuất. Nhiều địa phương lựa chọn hướng đi lên từ lâm nghiệp, coi bảo vệ và phát triển rừng là một trong những trụ cột phát triển bền vững.
Đối với tham luận của TS Hoàng Liên Sơn – Viện KHLN Việt Nam và PGS.TS Trần Quốc Hưng – Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, việc nghiên cứu Sinh kế của đồng bào và các dân tộc thiểu số gắn liền với rừng là quan trọng, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng hiện nay, từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng đổi mới hoàn thiện chính sách theo hướng bền vững ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho các cộng đồng dân tộc thiểu số trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Văn Trì