BVR&MT – Hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự tiến hóa, duy trì hệ thống tự nhiên, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, việc quản lý hệ thống rừng đặc dụng và phòng hộ vẫn còn những khoảng trống về chính sách và thực thi, đặt ra những thách thức phía trước, đặc biệt trong bối cảnh mà vai trò phòng hộ, cung cấp dịch vụ hệ sinh thái của rừng ngày càng gia tăng trước biến đổi khí hậu.
Đó là nhận định chung được đưa ra tại Hội nghị Toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020 và tổng kết quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng được tổ chức ngày 11/11/2020 tại Đà Lạt với sự tham dự của hơn 250 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, cùng đại diện các ban quản lý các khu rừng phòng hộ đặc dụng trên cả nước, các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia và các cơ quan thông tấn báo chí.
Thành tựu và tồn tại
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhận định, hệ thống rừng đặc dụng và phòng hộ của Việt Nam ngày càng tiếp cận với hệ thống của thế giới. Theo Thứ trưởng, hệ thống rừng đặc dụng đã bao quát được cả 8 vùng sinh thái là những nơi có giá trị đa dạng sinh học cao nhất, lưu giữ những loài động thực vật đặc hữu của đất nước và khu vực.
Báo cáo tại Hội nghị về tình hình thực hiện công tác quản lý hệ thống rừng đặc dụng phòng hộ cả nước năm 2020, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết cả nước đến nay đã xác lập 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích 2.303.961 ha, chiếm 14,19% diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Trên cả nước hiện có 216 Ban quản lý rừng phòng hộ, với tổng diện tích đất rừng phòng hộ trên toàn quốc là 5.905.870 ha, chiếm 34% diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp.
Về thành tựu đạt được, ông Nghĩa cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã phát hiện và xử lý có chiều hướng giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Trong đó, với rừng đặc dụng số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp là 1.085 vụ, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2019; với rừng phòng hộ số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp là 964 vụ, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Về diện tích trồng mới, năm 2020, rừng phòng hộ được trồng mới 4.767 ha, bằng 73% so với cùng kỳ năm 2019; rừng đặc dụng được trồng mới 736 ha, bằng 121% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, công tác quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng cũng có một số hạn chế, tồn tại được ông Bùi Chính Nghĩa thẳng thắn đặt ra. Theo đó, tình trạng khai thác, mua bán vận chuyển khai thác lâm sản trái phép, động vật hoang dã và lấn chiếm rừng hiện chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý triệt để. Tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học và suy giảm chức năng phòng hộ ở một số khu rừng đặc dụng, phòng hộ vẫn diễn ra; diện tích rừng nghèo kiệt còn nhiều. Bên cạnh đó, mặc dù tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở các khu rừng đặc dụng, phòng hộ là rất lớn song đến nay vẫn còn rất hạn chế trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư phát triển.
Tại Hội nghị, TS Nguyễn Quốc Dựng, trưởng nhóm Nghiên cứu rà soát, đánh giá, đề xuất chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ ở Việt Nam, cũng đã chỉ ra một số khoảng trống về chính sách quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, cụ thể về chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và kiểm lâm, khoán bảo vệ rừng, đầu tư và hỗ trợ lâm sinh, chính sách vùng đệm, cho thuê rừng và môi trường rừng, đầu tư và hỗ trợ đầu tư.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, mục tiêu đưa hệ thống rừng đặc dụng từ 2,2 triệu ha lên 2,4 triệu ha hiện tại mới thực hiện được 50%. Nguyên nhân là có 5 khu rừng được quy hoạch thành lập mới nhưng chưa hoàn thành hồ sơ xác lập. Một số khu khi xác lập có diện tích nhỏ hơn diện tích được quy hoạch. Ngoài ra, trong quá trình rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch 3 loại rừng, một số diện tích tranh chấp, chồng lấn với các loại đất khác được loại ra khỏi diện tích quy hoạch rừng đặc dụng. Tới năm 2030 mục tiêu phát triển diện tích rừng đặc dụng lên 2,4 triệu ha sẽ vẫn được duy trì cùng với việc phục hồi 100.000 ha rừng đặc dụng bị suy thoái.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, diện tích đất rừng phòng hộ đã được quy hoạch là 5.9 triệu ha, tuy nhiên diện tích có rừng đến nay chỉ là 4.646.000 ha. Theo Thứ trưởng, thời gian tới sẽ tiếp tục phải rà soát diện tích này trong đợt quy hoạch vì chắc chắn vẫn còn đất chưa có rừng. “Tuy nhiên, nói đất chưa có rừng là nói trên giấy vì thực tế việc trồng rừng thay thế ở nhiều địa phương còn không tìm ra quỹ đất để triển khai. Có những khu vực đã quy hoạch cho rừng phòng hộ nhưng sông suối và núi đá không thể trồng được rừng”.
Cùng nội dung này, ông Phạm Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ phát biểu, các tỉnh Tây Nguyên có trên 3.600 ha quy hoạch cho lâm nghiệp nhưng hiện lại đang sản xuất nông nghiệp, và con số này thậm chí có thể cao hơn rất nhiều. Theo đó, ông cho rằng điều quan trọng là cần rà soát lại diện tích quy hoạch lâm nghiệp để bóc tách đất nông nghiệp ra nhằm đảm bảo quản lý rừng và lợi ích cho người dân. Ngoài ra, lâm nghiệp là một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù và có sự cạnh tranh lớn về nhu cầu sử dụng đất giữa các ngành. Vì vậy, để dung hòa cần chú trọng việc lồng ghép quy hoạch phát triển lâm nghiệp vào kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở cấp tỉnh, cấp huyện một cách phù hợp và kịp thời.
Liên quan đến việc rà soát lại quy hoạch rừng, TS. Nguyễn Quốc Dựng, cũng đặc biến nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu, rà soát lại khoảng 3 triệu ha rừng do UBND xã quản lý gồm 1,7 triệu ha rừng tự nhiên và 1,3 triệu ha rừng trồng để phân loại theo mục đích sử dụng và đề xuất quy hoạch hoặc chuyển đổi cho phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chính sách đầu tư phát triển rừng.
Về bảo tồn kết hợp thực hiện du lịch sinh thái giải trí nghỉ dưỡng và cung ứng dịch vụ môi trường sinh thái, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh cần khuyến khích nhưng với điều kiện đúng luật và đảm bảo phát triển bền vững. Đặc biệt, Thứ trưởng chỉ đạo du lịch sinh thái cần hạn chế tối đa xây dựng trong rừng đặc dụng, tuyệt đối không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để phát triển du lịch. Đồng thời, du lịch sinh thái không được làm mất quyền sở hữu về rừng và quyền quản lý đất đai của nhà nước. Theo đó, cần lựa chọn những đối tác tin cậy, khuyến khích các VQG, KBT tự làm du lịch và đảm bảo nguồn thu.
Nhất trí với chỉ đạo của thứ trưởng, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cũng khẳng định, tất cả diện tích rừng tự nhiên từ nay sẽ không chuyển đổi và phải bảo đảm quản lý nghiêm ngặt. Đề nghị tất cả các hoạt động liên quan đến rừng phải thực hiện phương thức cho thuê môi trường rừng, tuyệt đối không chuyển đổi mục đích sử dụng. Ông cho biết, mục tiêu trong thời gian tới là giữ độ che phủ rừng. Hiện nay tỷ lệ che phủ rừng không nhỏ nhưng chất lượng ở nhiều vị trí xung yếu đang cần quan tâm. Ưu tiên trong thời gian tới là bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, bảo vệ hệ sinh thái, điều chỉnh phân bố rừng phòng hộ, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Đồng thời, ngành lâm nghiệp hướng đến tăng năng suất rừng trồng và quan tâm công tác giống cây trồng nhằm tái cơ cấu ngành thông qua thúc đẩy cơ cấu giống cây trồng.
Bạch Dương