Tóm tắt – Rừng ngập mặn ven biển đồng bằng sông Cửu Long có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ hơn 7 nghìn km đê biển, đê cửa sông ven biển, bờ bao, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng rừng ngập mặn ở vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long thông qua điều tra rừng trồng, rừng tự nhiên đại diện tại các khu vực nghiên cứu.
Kết quả điều tra khảo sát cho thấy: Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có diện tích có rừng ngập mặn là 73.372,04 ha, chiếm 50,5 % diện tích rừng ngập mặn cả nước. Tại đây trạng thái thực bì là rừng tự nhiên và rừng trồng được gây trồng nhiều năm qua ở các vùng cửa sông ven biển, bãi bồi đất ngập mặn, những nơi ngập triều trung bình, thể nền từ bùn đến sét, độ lún từ 20-40cm, các loài cây được gây trồng chủ yếu bao gồm: Đước đôi (Rhizophora apiculata), Mắm biển (Avicennia marina), Bần chua (Sonneratia caseolaris), Dừa nước (Nypa fruticans) và Mắm đen (Avicennia officinalis)… Thực trạng xói lở, bồi tụ, suy giảm rừng ngập mặn diễn ra phức tạp tại khu vực này. Nghiên cứu cũng tổng kết, đánh giá một số giải pháp về trồng rừng đã được áp dụng có hiệu quả trong thời gian qua. Kết quả nghiên cứu nhằm đề xuất một số giải pháp khôi phục và phát triển rừng ngập mặn khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Rừng ngập mặn (RNM) khu vực ĐBSCL là một hệ sinh thái đặc trưng vùng ven biển Việt Nam, là hệ sinh thái chuyển tiếp giữa môi trường nước ngọt và môi trường biển. RNM có tác dụng nhiều mặt như môi trường, xã hội và giá trị kinh tế, đặc biệt về phòng hộ đê biển, chống xói lở, cố định đất ven biển, ven sông, hạn chế gió bão, sóng biển, triều cường và góp phần điều hòa khí hậu. Nhiều nguồn lợi từ RNM gồm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nguồn lợi thủy sản, nơi giải trí, du lịch sinh thái, thấm lọc sinh học, phòng hộ ven biển, đặc biệt bảo vệ đê biển, cố định đất, tích tụ C và hấp thụ CO2. Việc nghiên cứu nắm vững các đặc điểm về RNM, lập địa ngập mặn và các yếu tố cấu thành, đặc biệt các giải pháp khôi phục và phát triển RNM trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng trở nên cấp bách.
Những năm gần đây, nhiều tác động tiêu cực từ tự nhiên và con người đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn ở Việt Nam, cụ thể khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thực trạng xói lở, bồi tụ, suy giảm rừng ngập mặn diễn biến phức tạp. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách về phát triển bền vững ĐBSCL, trong đó trồng rừng ngập mặn là một giải pháp quan trọng để thích ứng với BĐKH, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL. Trong thời gian qua, việc trồng rừng ngập mặn tại ĐBSCL đã được thể chế hoá tại nhiều văn bản như: Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 22/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó vấn đề đầu tư trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn là một trong những vấn đề được ưu tiên của Nghị quyết.
II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp: Thu thập và kế thừa tư liệu, tài liệu, bản đồ, kết quả điều tra, kết quả nghiên cứu đã có, liên quan về hiện trạng RNM tại ĐBSCL. Các tài liệu, công trình nghiên cứu liên quan đến đặc điểm rừng ngập mặn, đất ngập mặn, giải pháp phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển.
Phương pháp chuyên gia: Phỏng vấn kinh nghiệm và kiến thức của nhóm chuyên gia liên ngành về lĩnh vực lâm nghiệp, thủy lợi, môi trường… Phương pháp này được thực hiện thông qua các buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan.
Phương pháp GIS: Sử dụng kỹ thuật viễn thám, ứng dụng các phần mềm như Arcview, MapInfo, ArcInfo v.v. được sử dụng để hỗ trợ trong nghiên cứu. Đặc biệt Công nghệ GIS sẽ được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến hiện trạng rừng ngập mặn, xói lở bờ biển khu vực nghiên cứu phục vụ công tác quản lý, khai thác và bảo vệ bờ biển ở ĐBSCL.
Phương pháp điều tra thực địa: Phỏng vấn lấy ý kiến của người dân và các cấp chính quyền địa phương, điều tra nhanh nông thôn (RRA) để thu thập các số liệu hiện trạng và trước kia về thảm thực vật, đường bờ, về tập quán khai thác thủy sản, mùa vụ, kinh nghiệm trồng cây ở địa phương;
Điều tra, khảo sát bổ sung điều kiện tự nhiên, điều tra hiện trạng thảm thực vật rừng theo tuyến và OTC điển hình, tạm thời;
Sử dụng máy định vị vệ tinh GPS, GIS để xác định tọa độ các ô tiêu chuẩn, tọa độ các khu vực có thực vật rừng ngập mặn;
Sử dụng máy toàn đạc TOPCON có độ chính xác góc mβ = ±1, độ chính xác đo cạnh ms =2mm + 2ppm để khảo sát địa hình;
Sử dụng các thiết bị đo sóng và dòng chảy vùng nước nông chuyên dụng (TWR-2050 của hãng RBR kết hợp với máy AWH-USB hãng ALEC hoặc các máy có tính năng tương tự); sử dụng máy đo chất lượng nước đa chỉ tiêu xác định hàm lượng phù sa.
Phương pháp thống kê, xử lý số liệu: Số liệu được thống kê và xử lý bằng phần mềm Excel.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
1. Tổng quan về rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long
Hiện trạng rừng ngập mặn:
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 03/4/2018 về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017, cả nước có 145.348,82 ha RNM. Trong quá trình điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng RNM ven biển đồng bằng sông Cửu Long, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình (WIP) đã tổng hợp hiện trạng diện tích RNM tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 73.281,6 ha, chiếm 50,4% diện tích RNM cả nước. Đây là khu vực có diện tích RNM lớn nhất toàn quốc năm 2017.
Căn cứ vào đặc điểm địa hình và chế độ thủy, hải văn vùng ĐBSCL rừng ngập mặn được phân bố và gây trồng trên 3 khu vực:
Khu vực 1: Từ cửa Soài Rạp, Tiền Giang đến cửa Mỹ Thanh, Sóc Trăng có địa hình tương đối bằng phẳng, bị chia cắt bới các cửa sông lớn đổ ra biển. Khu vực này chịu ảnh hưởng chế độ triều biển Đông và chế độ thủy văn của sông Mekong. Tại khu vực này có một số quần xã cây ngập mặn điển hình là: Quần xã: Bần chua (Sonneratia caseolaris) – Dừa nước (Nipa frutican); Quần xã: Mắm trắng (Avicennia alba) – Đước đôi (Rhizophora apiculata); Quần thể rừng trồng thuần loài: Bần chua (Sonneratia caseolaris), Mắm trắng (Avicennia alba), Đước đôi (Rhizophora apiculata). Ngoài ra còn có một số quần xã Mắm quăn (Avicennia lanata) – Bần ổi (Sonneratia ovata) – Dà quánh (Ceriops decandra) mọc dải rác sau dải cây tiên phong. Các quần xã RNM trồng như Mắm biển + Đước đôi, Mắm biển, Bần chua,..
Khu vực 2: Từ cửa Mỹ Thanh, Sóc Trăng đến mũi Cà Mau có địa hình tương đối bằng phẳng, chế độ thủy hải văn chịu ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông có một số quần xã, quần thể cây ngập mặn điển hình là: Quần thể Mắm trắng (Avicennia alba). Quần xã Mắm trắng (Avicennia alba) – Đước đôi (Rhizophora apiculata). Quần thể Mắm đen (Avicennia officinalis). Quần xã Đước đôi (Rhizophora apiculata) – Vẹt khang (Bruguiera parvifora). Ngoài ra còn có rừng trồng Đước đôi.
Khu vực 3: Từ mũi Cà Mau đến mũi Hà Tiên, Kiên Giang có địa hình dốc, chế độ thủy hải văn chịu ảnh hưởng bởi chế độ nhật triều của biển Tây với một số quần thể cây ngập mặn điển hình là: Quần thể Mắm trắng (Avicennia alba), Đước đôi (Rhizophora apiculata), Giá (Excoecaria agallocha L.). Một số quần xã rừng trồng như Mắm trắng + Đước đôi, Mắm trắng trồng thuần loài,…
Như vậy, hiện trạng RNM khu vực ven biển ĐBSCL có diện tích lớn nhất so với các khu vực ven biển khác như đồng bằng sông Hồng, khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ. Đặc trưng các quần xã, quần thể đa dạng về loài thực vật, phân bố đa dạng ở vùng bãi bồi, cửa sông và ven biển. Diện tích đất ngập mặn quy hoạch cho trồng RNM trên 10.000 ha. Đây là diện tích đất tiềm năng để lựa chọn các giải pháp khôi phục và phát triển RNM tại khu vực này.
Nguyên nhân suy giảm rừng ngập mặn:
Rừng ngập mặn khu vực ĐBSCL có diện tích lớn nhất cả nước, tuy nhiên một số năm qua, RNM khu vực ven biển ĐBSCL đã và đang bị suy giảm về diện tích cũng như chất lượng. Tổng hợp các kết quả nghiên cứu của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình cho thấy, nguyên nhân làm suy giảm rừng ngập mặn là do các yếu tố tự nhiên (sóng, gió, bão…) và yếu tố con người (các hoạt động xây dựng, khai thác, nuôi trồng thủy sản…). Trong đó, yếu tố con người là nguyên nhân chính làm suy giảm rừng ngập mặn. Một số nguyên nhân có thể kể đến suy giảm: Rừng ngập mặn do chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngập mặn; rừng ngập mặn do xói lở; rừng ngập mặn do khai thác trái phép; rừng ngập mặn do hoạt động xây dựng của con người.
2. Thực trạng ứng dụng các giải pháp khôi phục và phát triển rừng ngập mặn tại ĐBSCL
Trước thực trạng xói lở bờ biển và suy giảm rừng ngập mặn ở ĐBSCL, đã có nhiều đề tài, dự án được thực hiện nhằm góp phần phục hồi diện tích rừng ngập mặn để bảo vệ bờ biển, đê biển ở ĐBSCL. Có rất nhiều biện pháp được áp dụng ở ĐBSCL nhưng có thể kể đến các giải pháp mềm thân thiện với môi trường được Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình (WIP) và Tổ chức hợp tác Đức (GIZ) tiến hành nhiều thử nghiệm độc lập ở các vị trí bờ biển bị xói lở, bằng cách làm hàng rào bằng cọc tre nhằm giảm sóng, giảm dòng chảy và gây bồi tạo bãi, sau đó mới tiến hành trồng cây đã thành công ở một số vị trí. (Hình 1, 2).
Tuy nhiên, hàng rào chữ T của tổ chức GIZ chưa cho thấy hiệu quả như tường mềm của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, do bề rộng hàng rào nhỏ dẫn đến hiệu quả giảm sóng, gây bồi không cao và các đơn nguyên chữ T không liền mạch dẫn đến các rãnh thoát nước xuất hiện trên bề mặt bãi. Do đó, tường mềm có khả năng áp dụng rộng rãi hơn so với hàng rào chữ T.
Theo đánh giá của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, những vị trí bãi bồi đã có thể nền ổn định, có thể áp dụng giải pháp tường mềm giảm sóng để trồng cây ngập mặn. Ở những vị trí bãi bồi chưa ổn định và cường độ sóng không quá lớn, có thể áp dụng giải pháp tường mềm giảm sóng, gây bồi và trồng cây ngập mặn sau khi thể nền đã cố kết.
3. Đánh giá hiệu quả của một số giải pháp sinh học phát triển rừng ngập mặn tại ĐBSCL
Qua quá trình thử nghiệm và nghiên cứu các giải pháp phục hồi và phát triển RNM một số năm qua. Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đánh giá hiệu quả của một số loại giải pháp hỗ trợ trong khôi phục và phát triển RNM theo bảng 2 sau.
4. Đề xuất một số giải pháp trồng rừng phù hợp với các điều kiện lập địa ở ĐBSCL
Từ những nghiên cứu về hiện trạng RNM, nguyên nhân gây suy giảm RNM và đánh giá các giải pháp đã áp dụng trong việc khôi phục và phát triển RNM ở ĐBSCL, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đề xuất các giải pháp trồng rừng phù hợp với các điều kiện lập địa ở ĐBSCL như sau:
5. Kết luận và kiến nghị
Từ các đề tài, dự án đã triển khai thành công nhiều năm qua tại khu vực ĐBSCL, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình có một số kết luận như sau:
(1) Nghiên cứu hiện trạng RNM vùng ven biển ĐBSCL là cơ sở để đánh giá, lựa chọn giải pháp sinh học phục hồi RNM phù hợp với khu vực nghiên cứu, trong đó lựa chọn loài Đước đôi, Mắm biển, Mắm đen, Bần chua,…là những loài cây phù hợp với đặc điểm lập địa khu vực.
(2) Xác định được một số nguyên nhân suy giảm RNM tại ĐBSCL trong đó do con người chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang NTTS kết hợp với vấn đề sạt lở ven biển, ven sông là cơ sở thực tiễn để xây dựng giải pháp về kỹ thuật lâm sinh, thủy lợi, cơ chế chính sách trong khôi phục và phát triển RNM.
(3) Giải pháp mềm (tường mềm giảm sóng, gây bồi) hỗ trợ hữu hiệu cho giải pháp phát triển RNM tại các vị trí xói lở bờ biển ĐBSCL. Là giải pháp có khả năng gây bồi tốt (30-40 cm/năm), điều kiện áp dụng phù hợp, hiệu quả kinh tế tốt do giá thành xây dựng thấp (5-10 triệu đồng/m). Là giải pháp sinh học thân thiện với môi trường.
(4) Đề xuất được một số giải pháp trồng rừng ngập mặn phù hợp với đặc điểm lập địa (thuận lợi, khó khăn, rất khó khăn và đặc biệt khó khăn).
Từ những nghiên cứu về các giải pháp khôi phục và phát triển RNM ven biển đồng bằng sông Cửu Long, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình có một số kiến nghị như sau:
Cần tiến hành nghiên cứu đầy đủ các dữ liệu đầu vào để đảm bảo việc thiết kế trồng rừng thích ứng với các biến động của điều kiện tự nhiên và tập quán cư dân bản địa.
Hình thức gây bồi và trồng rừng lấn biển: Nên thực hiện theo hình thức lấn dần từng bước theo từng giai đoạn, trình tự từ trong ra ngoài.
Giải pháp công trình giảm sóng gây bồi: Cần nghiên cứu các vật liệu, kết cấu thay thế tường mềm để đảm bảo thích ứng với điều kiện sóng, sinh vật gây hại.
Phải quan tâm đúng mức đến kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngập mặn. Bên cạnh đó, công tác quản lý và tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng cũng rất quan trọng.
Quy hoạch tổng thể các khu vực có thể trồng được rừng ngập mặn, khu vực trồng rừng ngập mặn cần công trình hỗ trợ và khu vực không thể trồng được rừng ngập mặn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2018). Quyết định số 1187/QĐ-BNN-TCLN ngày 03/4/2018 về việc công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2017. |
Nguyễn Hoàng Hanh – Đỗ Quý Mạnh – Trần Văn Sáng – Cao Bá Kết
(Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình)