BVR&MT – Năm cá thể tê giác đen Đông Phi được chuyển từ các vườn thú châu Âu đến Vườn quốc gia Akagera của Rwanda đã làm quen với khí hậu và được chuyển đến khu vực rộng hơn. Sau rốt, chúng sẽ được thả vào VQG, gia nhập vào một đàn được đưa đến từ Nam Phi vào năm 2017 – những cá thể đầu tiên của loài cực kỳ nguy cấp này sẽ sải bước ở Rwanda kể từ năm 2005.
Theo quan hệ đối tác giữa chính phủ Rwanda, Hiệp hội vườn thú – thủy cung châu Âu (EAZA) và African Parks – một tổ chức phi chính phủ quốc tế, năm cá thể từ chương trình nhân giống tê giác của EAZA đã hoàn thành hành trình dài 6.000 km từ châu Âu tới ngôi nhà mới ở Vườn quốc gia Akagera, Rwanda.
Đây là nỗ lực thứ hai ở Akagera nhằm xác lập một quần thể tê giác Đông Phi – vốn không phải loài bản địa ở khu vực này.
Tê giác lần đầu tiên được đưa đến VQG vào những năm 1950 từ nước láng giềng Tanzania, phát triển thành quần thể hơn 50 cá thể vào thập niên 1970, trước khi bị nạn săn trộm xóa sổ.
Lần cuối cùng một cá thể tê giác được nhìn thấy ở đây là vào năm 2007.
Có một quần thể chuyển vị khoảng 90 cá thể tê giác đen Đông Phi trong các khu bảo tồn tư nhân ở Nam Phi, được phát triển từ chín cá thể nhập khẩu vào những năm 1950. Mười tám cá thể tê giác từ nhóm này đã được chuyển đến Akagera vào năm 2017.
Những bổ sung mới nhất từ chương trình nhân giống tê giác đen của EAZA sẽ đa dạng hóa nguồn gen và củng cố quần thể tê giác của Rwanda.
Mark Pilgrim, Giám đốc điều hành vườn thú Chester, người điều phối chương trình nhân giống tê giác đen Đông Phi của EAZA, cho biết: “Chúng tôi đã có một nguồn dự trữ di truyền thực sự quan trọng hỗ trợ cho di truyền quần thể.”
Chương trình nhân giống tê giác đen của EAZA bắt đầu với một quần thể gồm khoảng 40 cá thể được đưa đến châu Âu vào những năm 1950 và 1960. Ngày nay, quần thể được quản lý cẩn thận này gồm gần 100 cá thể, chiếm khoảng 10% tổng số tê giác đen Đông Phi trên trái đất.
Pilgrim nói rằng cứ sau mỗi 5 năm, quần thể của EAZA giờ đây có thể cung cấp một vài cá thể bổ sung cho quần thể hoang dã.
Quần thể tê giác nhập khẩu từ Nam Phi hiện đã thích nghi tốt và đang bắt đầu sinh sản.
Kể từ những năm 1970, quần thể tê giác suy giảm nghiêm trọng do nạn săn trộm để lấy sừng. Tê giác đen (diceros bicornis) sụt giảm 96%, từ 70.000 cá thể xuống chỉ còn 2.410 trong khoảng thời gian 1970 – 1995.
Tê giác đen Đông Phi (D.b.Michaelaeli) ban đầu sống khắp Đông Phi, từ miền nam Sudan đến miền bắc Tanzania, là loài có nguy cấp nhất trong ba phân loài tê giác đen. Tuy nhiên, hiện chỉ còn chưa đầy 1.000 cá thể hoang dã còn sót lại trong các quần thể nhỏ bị cô lập và phân bố rải rác khắp Tanzania và Kenya.
Nhật Anh (Theo Mongabay)