BVR&MT – Những ngày qua, nông dân các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa đã khẩn trương thu hoạch sắn tróc gốc do bão số 12. Nhiều đám sắn đến thời kỳ thu hoạch, nông dân tận thu bán sản phẩm cho nhà máy, thế nhưng hầu hết diện tích sắn ngã đổ trong thời kỳ ra củ còn non nên nông dân nhổ cho gia súc ăn, có người nhổ bỏ để giải phóng đất.
Sắn non ngã đổ
Ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Tại địa phương, bão số 12 làm ngã đổ trên 420 ha sắn, tập trung tại các xã Sơn Thành Tây, Hòa Phú. Sau bão, Phòng NN-PTNT huyện cử cán bộ phối hợp với UBND các xã vận động nhân dân tổ chức phát dọn cành nhánh, dọn cây hư hỏng, thu hoạch các sản phẩm còn lại sau bão. Tại xã Sơn Thành Tây, gió bão bẻ ngã trên 300 ha sắn. Bà Nguyễn Thị Diện, nông dân trong xã nhổ sắn ngã đổ, buồn bã nói: Sắn ở khu vực này bị gió quật tróc gốc ngã sấp lớp, có người trồng sớm thì nhổ củ sắn lớn bán, nhưng đa số vùng này sắn trồng muộn, củ còn non chỉ tận thu nhổ lên băm nhỏ cho gà, nấu chín cho bò ăn.
Những ngày qua, nông dân xã Hòa Phú cũng khẩn trương thu hoạch 123ha sắn bị ngã đổ. Nông dân Bùi Long vát cây sắn chất đống ra bờ cho hay: Tôi trồng 4 sào sắn bị bão quật ngã đổ, nhổ lên 10 bụi thì bụi nào củ cũng chỉ bằng ngón tay cái nên tôi gom cây chất đống ra bờ, cày phá bỏ chờ trồng mới.
Huyện Sơn Hòa có diện tích sắn ngập, ngã đổ nhiều nhất với trên 3.230ha. Nông dân các xã Krông Pa, Ea Chà Rang, Sơn Hà… trồng sắn dọc bờ sông bị nước ngập úng, gió bão lay gốc nên về sau đọt sắn héo úa. Còn vùng trồng sắn trên gò đồi xã Sơn Long, Sơn Định thì bị gió quật ngã. Ông Ma Tưng ở thôn Hòa Ngãi (xã Sơn Định) ra đám sắn mót từng củ nói: Gió bão bẻ sắn gãy đọt tróc gốc. Cả một đám sắn rộng 2 sào “mót” được đủ chở chuyến xe lôi (gần 1 tấn) bán cho nhà máy, còn lại sắn non nhổ bỏ. Có đám sắn 5-6 tháng tuổi nằm ở khu vực khuất gió thì không bị tróc gốc nhưng bị gãy đọt, coi như mất trắng.
Thiệt hại tiền tỉ
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, diện tích sắn bị đổ ngã, ngập úng lên trên 1.181ha thiệt hại từ 50-70%. Xã Ea Ly có đến 1.500 ha sắn bị ngã đổ; Đức Bình Đông 415 ha sắn bị thiệt hại do bão; Ea Bia có 113 ha sắn bứng gốc, gãy đổ, bào mòn, còn lại rải rác các xã khác trong huyện, ước thiệt hại lên đến 149 tỉ đồng. Bà Trần Thị Quý ở xã Ea Bia, phân trần: Sắn trồng rải vụ, theo kinh nghiệm người dân ở đây thì trồng tránh thu hoạch vào mùa mưa vì lo ngại trời mưa dầm, đường sá lầy lội, thu hoạch không kịp thì sắn nũng thối. Nông dân thường “canh” thời vụ thu hoạch tháng 1 năm sau (thời điểm gần Tết Nguyên đán) bán sắn có tiền trang trải dịp tết. Năm nay bão ập vào đầu tháng 11, nên sắn ngã đổ ở đây đều non, ít có người tận thu được, hầu hết người trồng thiệt hại nặng.
Còn tại huyện Đồng Xuân, gió bão làm ngã đổ 553 ha sắn, bị thiệt hại từ 50-70%. Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, bão số 12 làm sắn trồng ven sông bị ngập úng, đổ ngã, thuộc các xã Xuân Phước 140 ha, Xuân Sơn Bắc 80ha, thị trấn La Hai 57 ha. Riêng Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân bị thiệt hại trên 1.230 tấn sắn do hư thối. Nguyên nhân là sau bão mất điện nhiều ngày dẫn đến sắn tồn đọng nũng thối. Chỉ tính riêng thiệt hại về cây trồng nông nghiệp trong huyện, trong đó có cây sắn lên đến trên 32 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, bão số 12 làm hư hại, ngã đổ trên 5.429ha sắn, tập trung tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa… Thiệt hại về cây trồng toàn tỉnh trên 800 tỉ đồng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, trong thời gian chờ kết thúc mưa, nông dân làm đất và xử lý đất, vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ cây bị héo, bị gãy để chuẩn bị trồng vụ mới. |