BVR&MT – Tại rừng Hòn Đác, những vết cắt, mùn cưa vẫn còn mới nguyên cùng với đó là cưa lốc và đồ dùng cá nhân của lâm tặc bỏ lại khi bị lực lượng kiểm lâm phát hiện.
Ngày 10/10, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức năng của huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) đã đi kiểm tra thực tế tại hiện trường vụ phá rừng ở tiểu khu 192 thuộc xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa (hay còn gọi là rừng Hòn Đác).
Trải qua đoạn đường núi hơn 12km, chúng tôi đã tiếp cận được vị trí mà lâm tặc chặt phá rừng. Tại hiện trường những vết cắt, mùn cưa vẫn còn mới nguyên cùng với đó là cưa lốc và đồ dùng cá nhân của lâm tặc bỏ lại khi bị lực lượng kiểm lâm phát hiện.
Ông Phan Văn Đoan, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, cho biết vụ phá rừng được Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa phát hiện vào ngày 4/10. Vị trí có rừng bị chặt phá cụ thể ở lô 1, khoảnh 6, tiểu khu 192 và đây là rừng tự nhiên được quy hoạch có chức năng sản xuất.
Cây rừng bị lâm tặc đốn hạ là loại cây da. Cây có đường kính bình quân khoảng 60cm, dài từ 3-5m. Khi tiếp cận hiện trường thì các đối tượng đã bỏ trốn và bỏ lại toàn bộ số gỗ ở đây.
Khối lượng đo đếm được là khoảng 1,4m3. Ngoài ra còn có dụng cụ được lâm tặc dùng để chặt phá rừng như cưa lốc, xăng dầu, dao…
Nhờ phát hiện kịp thời nên mới có năm cây da ở rừng Hòn Đác bị lâm tặc chặt hạ. Gỗ cây da là loại cây thuộc nhóm 8. Giá bán loại gỗ này hiện nay trên thị trường là 3 triệu đồng/m3.
Các ngành chức năng của huyện Sơn Hòa đang phối hợp truy tìm đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng.
Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Hòa cho biết, các ngành liên quan và lực lượng kiểm lâm sẽ thống kê lại cụ thể khối lượng gỗ cây da bị lâm tặc chặt hạ để có báo cáo cho các ngành chức năng của tỉnh. Khi lực lượng vào kiểm tra thì các đối tượng phá rừng đã trốn thoát. Việc truy tìm các đối tượng gây ra vụ việc này sẽ được giao cho cơ quan công an xử lý.
Thời gian qua, huyện Sơn Hòa đã có nhiều giải pháp để bảo vệ rừng, tuy nhiên nhiều hộ dân vẫn lén vào rừng để chặt phá. Một phần để lấy đất sản xuất, một phần lấy gỗ để bán.
Sắp tới huyện Sơn Hòa đang có hướng điều chỉnh, xác nhập lại các tọa độ có rừng để quản lý, đặc biệt là các khu rừng đã bị phá trước đây mà hiện nay bị lấn chiếm trồng cây sẽ được huyện thực hiện cưỡng chế để quản lý, xung vào quỹ đất Nhà nước.