Phú Thọ: Yên Lập kiên trì mục tiêu giảm nghèo bền vững

BVR&MT – Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, những năm qua, huyện miền núi Yên Lập đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.

Gia đình bà Triệu Thị Vân ở khu Dân Chủ, xã Thượng Long trồng 5ha quế và chuyên thu mua quế để xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương.

Với đặc thù trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, vì thế huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chúc, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn tiết kiệm để phát triển kinh tế. Các hoạt động vì người nghèo, các chương trình an sinh xã hội, cứu trợ được MTTQ từ huyện đến cơ sở và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng, từ đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, Quỹ “Vì người nghèo” cấp huyện đã vận động ủng hộ đạt trên 774 triệu đồng và tổ chức tiếp nhận nguồn hỗ trợ gần 4,4 tỉ đồng. Từ nguồn kinh phí trên đã hỗ trợ xây mới 107 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng trị giá hơn 4,1 tỉ đồng. Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, các hộ nghèo trong quá trình xây dựng nhà ở còn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng dân cư, các tổ chức đoàn thể địa phương về ngày công lao động, trang thiết bị, vật dụng gia đình cần thiết.

Đồng chí Hoàng Anh Tuấn – Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: “Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm được Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên chú trọng triển khai sâu rộng cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương, trong đó trọng tâm là thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thông qua nhiều nội dung và phong trào cụ thể, thiết thực đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau bằng những việc làm cụ thể: Giúp nhau về vốn, cây con giống, vật tư, kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngày công lao động… cùng với các nguồn lực khác của Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Qua đó, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến nay còn 11,8%”.

Giai đoạn 2021-2023, huyện Yên Lập có 16 xã và một thị trấn nằm trong phạm vi của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; 70 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 11 xã là đối tượng ưu tiên của chương trình. Do vậy, cấp uỷ, chính quyền các cấp luôn quan tâm chỉ đạo, chủ động triển khai thực hiện thường xuyên, sâu sát tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch phân bổ vốn, tiến độ giải ngân với tổng nguồn vốn ngân sách gần 198 tỉ đồng để thực hiện 10 dự án thành phần. Tính đến đầu năm 2023, huyện đã đầu tư 63 công trình tại 11 xã khu vực III và 12 công trình theo danh mục. Kết quả giải ngân vốn đầu tư đạt 81% so với tổng vốn được giao. Nhờ đó, đến nay thu nhập bình quân đạt 37 triệu đồng/người/năm, 100% trường lớp xây dựng kiên cố, 97% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Các chương trình mục tiêu quốc gia đã thể hiện rõ hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra, rà soát về tỉ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn mặc dù có chiều hướng giảm nhưng chưa nhiều, nhất là ở đối tượng hộ DTTS. Cụ thể, năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 13,2%, trong đó hộ nghèo DTTS chiếm 85,6%; năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 11,8% (giảm 1,4%), trong đó hộ nghèo DTTS chỉ giảm 0,2% tức còn 85,5%. Trong khi Kế hoạch số 3038/KH-UBND ngày 8/8/2022 và Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã giao mức giảm tỉ lệ hộ nghèo huyện Yên Lập mỗi năm giảm từ 1,4-1,5%.

Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững của huyện tiếp tục thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tác động theo nhóm đối tượng và nguyên nhân nghèo; đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp, cộng đồng giúp đỡ”. Cùng với đó, giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, tăng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho Chương trình giảm nghèo bền vững.