BVR&MT – Đã chuẩn bị đầy đủ việc phát thực bì, cuốc hố, bỏ phân, chuẩn bị cây giống từ trước Tết nên khi xã phát động Tết trồng cây, gia đình anh Hà Ngọc Quyền ở xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn huy động tất cả người trong nhà lên đồi để trồng mới hơn một ha rừng và chăm sóc cho chín ha đã được trồng những năm trước. Anh Quyền chia sẻ: “Nhờ trồng rừng mà hàng chục gia đình trong xã như gia đình tôi đã thoát nghèo. Từ kinh nghiệm cho thấy, để cây trồng phát triển tốt nhất là vào dịp mùa Xuân bởi thời tiết ấm áp, phù hợp cho cây sinh trưởng. Vì vậy, việc trồng rừng hầu hết đều được chúng tôi thực hiện tập trung vào những ngày sau Tết”.
Huyện Thanh Sơn hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 43.076ha, chiếm 73% diện tích đất tự nhiên, trong đó diện tích rừng sản xuất trên 31.417ha, diện tích rừng phòng hộ, hơn 11.659ha. Trong 5 năm, từ năm 2016 đến hết năm 2021, độ che phủ rừng duy trì đạt 50%, khai thác rừng đạt 1.697ha sản lượng gỗ khai thác đạt 169.740m3. Huyện đã tiến hành rà soát chuyển đổi trên 670ha diện tích bạch đàn, bồ đề kém hiệu quả sang trồng keo hạt ngoại, tiến hành trồng mới, chuyển hóa hơn 2.000ha diện tích rừng gỗ lớn. Nhờ thực hiện tốt việc trồng, phát triển rừng ngay từ đầu năm nên trong những năm qua, tỉ lệ rừng sống và phát triển tốt trên địa bàn huyện đạt khá cao. Cùng với phát triển rừng, nhiều địa phương còn đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng như chăn nuôi, trồng cây dược liệu… hoặc chế biến lâm sản, tạo nên sự đa dạng trong kinh tế địa phương.
Theo kế hoạch, Tết trồng cây năm nay, toàn huyện Thanh Sơn sẽ tiến hành trồng trên 56.000 cây phân tán; 141ha rừng tập trung; thực hiện từ ngày 7/2-7/3. Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu kế hoạch, UBND huyện đã chỉ đạo các xã phân bổ chi tiết kế hoạch đến từng khu dân cư; yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương để khảo sát, thiết kế khu vực trồng rừng; hướng dẫn người dân xử lý thực bì, cuốc hố, chuẩn bị đầy đủ phân bón, cây giống; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để tiến hành trồng cây, đảm bảo cho cây trồng có tỉ lệ sống và sinh trưởng cao. Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu các xã tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân về các biện pháp thâm canh rừng, chuyển đổi sang rừng gỗ lớn; phòng, chữa cháy và bảo vệ rừng sau khi trồng…
Ông Kiều Đức Mạnh- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để bảo vệ rừng sau khi trồng, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý và chăm sóc, bảo vệ cây phân tán, cây rừng sau khi trồng, nâng cao trách nhiệm, ý thức cho người dân trong việc bảo vệ rừng. Thực tế những năm gần đây cho thấy, kinh tế đồi rừng đã khẳng định là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội của toàn huyện. Nhờ vậy, đến nay, đã có hàng trăm hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng với quy mô lớn như các gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp. Phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế đồi rừng tại các xã, thị trấn trong huyện, nhất là các xã, khu thuộc vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện đã dần hình thành được vùng sản xuất gỗ nguyên liệu với hiệu quả kinh tế cao.
Để kinh tế đồi rừng tiếp tục phát triển hiệu quả, huyện Thanh Sơn sẽ chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng và các sản phẩm lâm nghiệp, thực hiện tốt việc gắn trồng, chăm sóc rừng với phát triển trang trại đồi rừng. Đó là “chìa khóa” để kinh tế đồi rừng ở Thanh Sơn thực sự phát triển hiệu quả, bền vững góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trong huyện và thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển, bắt đầu từ Tết trồng cây hàng năm.