BVR&MT – Những năm qua công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường, có chuyển biến tích cực, việc sử dụng tài nguyên ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.
Trên cơ sở Luật khoáng sản và các Nghị định hướng dẫn thi hành luật khoáng sản, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về khai thác, sử dụng được tỉnh tăng cường thực hiện với nội dung, hình thức đảm bảo, phong phú nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về khai thác khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp từ thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử đến cấp phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Hiện, toàn tỉnh có 109 giấy phép mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh còn hiệu lực; trong đó chủ yếu là các mỏ đá xây dựng, cát, sỏi, sét gạch ngói, Caolin Felspat, quặng sắt; tập trung nhiều ở các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy, Đoan Hùng, Yên Lập, Cẩm Khê… Từ năm 2015 đến nay có 95 mỏ được cấp phép, bao gồm cấp mới, gia hạn và chuyển nhượng.
Công tác thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản cũng được tỉnh chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, các nhiệm vụ khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản; quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cũng như việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản cũng được tăng cường thực hiện có hiệu quả.
Công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường ngày càng được tăng cường, qua đó đã phát hiện, uốn nắn, xử lý kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, giúp công tác quản lý về tài nguyên và môi trường từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Từ năm 2015 đến nay, Công an tỉnh thực hiện kiểm tra, phát hiện, xử lý 383 vụ đối với các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản với tổng số tiền xử phạt trên 33 tỉ đồng.
Đến nay, các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã chấp hành các quy định của pháp luật về nghĩa vụ với nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản. Hoạt động khoáng sản đã mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Từ năm 2015 đến nay, thu ngân sách Nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn đạt trên 1.415 tỉ đồng. Đồng thời hoạt động của các mỏ góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động tại địa phương với thu nhập bình quân khoảng 7.500.000 đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, có nơi, có lúc còn chưa thực sự chặt chẽ, ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, doanh nghiệp chưa cao. Một số tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng cam kết môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; chưa chú trọng đầu tư cho chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm; số ít đơn vị khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định…
Theo đồng chí Phạm Văn Quang – TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, để siết chặt công tác quản lý trong lĩnh vực khoáng sản, đảm bảo sự phát triển bền vững, thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý khoáng sản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về khai thác, quản lý, sử dụng khoáng sản đến tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động này; phát huy vai trò giám sát, thông tin, phản ánh của người dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khai thác, chế biến khoáng sản cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm với cộng đồng nơi khai thác, đóng góp nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng kinh tế – xã hội, nghiêm túc thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác.