BVR&MT – Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa Hè năm 2022 sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao, phổ biến trong khoảng 37-39 độ C, độ ẩm trong ngày tương đối thấp, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngành kiểm lâm đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương, chủ động triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Toàn tỉnh có 171.606ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng khoảng 16.000ha, rừng sản xuất 123.638ha, rừng phòng hộ gần 32.000ha. Diện tích rừng tập trung tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Đoan Hùng. Tại một số địa phương, rừng sản xuất chủ yếu trồng các loại cây nhiều tinh dầu, dễ bắt lửa như: Keo, bạch đàn, quế, khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao rất dễ bén lửa trong khi thực bì dưới tán rừng dày cũng làm gia tăng vật liệu gây cháy. Theo số liệu của ngành kiểm lâm, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xảy ra bảy vụ cháy rừng tại các huyện: Hạ Hòa, Yên Lập, Tân Sơn, Cẩm Khê, Thanh Thủy, nguyên nhân chủ yếu do xử lý thực bì gây cháy lan.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng và giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra do cháy rừng, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Trong đó, yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, các chủ rừng xây dựng, tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR, các tình huống khi cháy rừng xảy ra; chỉ đạo khắc phục các tồn tại trong công tác PCCCR của địa phương, chủ rừng để phù hợp với tình hình thời tiết nắng nóng…
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành kiểm lâm đã tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức điều tra, xử lý và tham mưu cho các cấp chính quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong những ngày cao điểm nắng nóng, khô hanh kéo dài, các Hạt kiểm lâm tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; có phương án chữa cháy rừng cụ thể, phù hợp với từng khu vực.
Cùng với đó, ngành kiểm lâm đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy với Trưởng khu dân cư, cán bộ kiểm lâm địa bàn để theo dõi, hướng dẫn nhằm kiểm soát việc sử dụng lửa trong quá trình xử lý thực bì; đặc biệt, trong những ngày nắng nóng, nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và đốt, xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy. Chi cục Kiểm lâm cũng đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng I, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu của từng vùng, kết hợp kiểm tra, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực để chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan và chủ rừng chủ động triển khai phương án PCCCR…
Ông Ngô Văn Hiệp – Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên – Chi cục Kiểm lâm cho biết: Chi cục đã chỉ đạo, hướng dẫn các Hạt Kiểm lâm tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCCR, bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư; vận động người dân, chủ rừng chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp. Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tuần tra, xử lý các sai phạm; tham mưu, xây dựng kế hoạch chủ động PCCCR, chuẩn bị các phương án ứng phó và khắc phục khi xảy ra cháy rừng…
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng cháy rừng mùa nắng nóng cũng như giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành rất cần sự chung tay tích cực của mỗi người dân sống gần rừng.