BVR&MT – Ngày 7/9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo Tỉnh ủy Phú Thọ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, đến nay đã có 11/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 7,29% (cao hơn bình quân chung cả nước, nằm trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng cao của cả nước và trong vùng); quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,3 lần so năm 2020, (đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng); GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 65,4 triệu đồng (vượt mục tiêu đến năm 2025 đạt 65 triệu đồng, tăng 14,7 triệu đồng so năm 2020, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước đạt 118,7 nghìn tỷ đồng.
Trong xây dựng nông thôn mới, dự kiến hết năm 2023, toàn tỉnh có sáu đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (về đích trước thời hạn hai năm).
Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, nằm trong nhóm 10 địa phương có giá trị xuất khẩu cao; thu ngân sách nhà nước dự toán đạt gần 9.200 tỷ đồng.
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tốt; lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu, để thực hiện mục tiêu xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, quan điểm của tỉnh là không điều chỉnh mục tiêu Nghị quyết mà phấn đấu ở mức cao nhất có thể.
Vì thế, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể cần tập trung phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thiết thực, hướng về cơ sở.
Trong thực hiện khâu đột phá và triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, thu hút đầu tư, tỉnh luôn chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế cũng như không phát triển công nghiệp bằng mọi giá; phát triển kinh tế bảo đảm hài hòa với bảo vệ môi trường, phát triển dịch vụ, du lịch, văn hóa riêng có vùng Đất Tổ.
Các đơn vị, địa phương khi lựa chọn nhà đầu tư phải xem xét kỹ lưỡng về năng lực tài chính, kinh nghiệm và phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo cam kết đã ký kết; không bán, không chuyển nhượng dự án, bảo đảm các nghĩa vụ tài chính trong đầu tư.
Các địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt ba Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội đồng bào dân tộc, miền núi; trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đồng chí Bùi Minh Châu yêu cầu các cấp ủy Đảng không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, giáo dục lý luận chính trị; tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền; tăng cường nắm bắt tình hình, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo phương châm: “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, “giám sát phải mở rộng”.
Chủ động nắm tình hình và kiểm tra cán bộ, đảng viên, tổ chức chức đảng khi có khuyết điểm, dấu hiệu vi phạm, có biểu hiện mất đoàn kết. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc, đạo đức công vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Thực hiện tốt công tác đối thoại, xử lý, giải quyết đơn thư và tiếp công dân theo quy định, tạo ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.