BVR&MT – Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn có diện tích hơn 15.000ha, xếp thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Vườn được ví là “lá phổi xanh,” là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía Tây Bắc của Phú Thọ, với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng tại Xuân Sơn đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Với vị trí địa lý của mình, Vườn Quốc gia Xuân Sơn được đánh giá là nơi có môi trường không khí, môi trường nước sạch sẽ, mát mẻ với thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa: Buổi sáng mát mẻ của mùa Xuân, buổi trưa ấm áp của mùa Hè, buổi chiều hiu hiu như mùa Thu, buổi tối trời se lạnh đặc trưng của mùa Đông. Đây là lợi thế để loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ngày càng phát triển.
Ngoài sức hấp dẫn của hệ động, thực vật phong phú, Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Nằm trong quần thể Vườn quốc gia Xuân Sơn có ba đỉnh núi cao trên 1.000m là: núi Voi, núi Ten và núi Cẩn với hàng trăm hang động; sông suối như suối Lấp, suối Thang; và nhiều thác nước có độ cao trên 50m, che phủ hang, hốc đá, hòa quyện màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.
Do quá trình phong hóa, thủy hóa tạo thành Xuân Sơn có 16 hang động đá với thạch nhũ đẹp, đa dạng, tạo nên muôn hình vạn trạng. Vào thăm hang động ở đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các nhũ đá rủ xuống thành muôn hình kỳ lạ. Ðộng Tiên là một hang ngầm trong lòng núi đá cẩm thạch dài 10km. Trong hang có đường thông gió lên thẳng đỉnh núi, làm cho không khí trong lành mát dịu. Hồ nước có nhiều loài cá lạ hấp dẫn.
Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc nơi đây hiện vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc của mình như trang phục, lễ hội, các hoạt động đời sống sinh hoạt hàng, những nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất các vua Hùng. Quan trọng hơn, vườn nằm trong thế chân kiềng của tổng thể cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ Tam Đảo – Ba Vì – Xuân Sơn. Trong trục tâm linh của truyền thuyết lịch sử Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, Sơn Tinh – Thủy tinh, vua Hùng, tạo nên một Xuân Sơn kỹ vĩ và có nhiều lợi thế trong bảo tồn, phát triển bền vững kết hợp với du lịch.
Hiện trên địa bàn xã Xuân Sơn có hơn 10 hộ tham gia kinh doanh homestay với khả năng phục vụ 300 khách/ngày. Các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng đều được tập huấn cách phục vụ, nấu ăn, tiếp đón du khách. Các hộ kinh doanh đều chú trọng xây dựng hình ảnh như đầu tư bồn hoa cây cảnh, hệ thống tường rào, cổng hoa dây leo đồng nhất tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng địa phương chung tay phát triển sinh thái cộng động… Những hộ dân chưa đủ điều kiện tổ chức homestay thì phát triển dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp thực phẩm cho các homestay và hướng dẫn du khách.
Những năm gần đây, cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch của Vườn Quốc gia Xuân Sơn ngày càng được quan tâm đầu tư, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đang hình thành rõ nét đã thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan trải nghiệm. Đến với Xuân Sơn, du khách có dịp được tham quan, trải nghiệm nhiều mô hình độc đáo như: “Cọn nước Xuân Sơn”, “Đường hoa du lịch Xuân Sơn”; “Bãi tắm Xuân Sơn”; “Tượng gà nhiều cựa”… đã trở thành điểm “check-in” không thể thiếu mỗi khi du khách dừng chân tại đây.
Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm hoạt động sản xuất của người dân địa phương như đan lát, dệt thổ cẩm, ủ men nấu rượu, bắt cá suối, hái lá thuốc tắm, chế biến các món ăn miền sơn cước, tham gia sinh hoạt văn hóa như đâm đuống, múa xòe, nhảy sạp… mang lại những trải nghiệm thú vị nhất cho du khách. Chị Nguyễn Thu Trang, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Hầu như năm nào, gia đình tôi cũng đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn và thường lựa chọn loại hình “homestay”. Tham quan, du lịch ở đây, các con tôi đã có nhiều trải nghiệm như cùng ăn, ở với người dân bản địa, tìm hiểu về văn hóa, tham gia hoạt động cộng đồng.
Ông Hà Đức Minh – Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết: Phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc Mường, Dao tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, đồng thời khai thác được tiềm năng và thế mạnh của miền đất này. Từ đầu năm đến nay, khi mọi hoạt động đã trở lại bình thường mới, riêng trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã đón trên 2.000 lượt khách tới tham quan, du lịch…
Vườn Quốc gia Xuân Sơn thực sự là và điểm đến kỳ thú, hấp dẫn đối với du khách; đặc biệt phù hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá và nghiên cứu khoa học. Thời gian tới, UBND huyện Tân Sơn tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phối hợp với nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn theo hướng bền vững.