BVR&MT – Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nông nghiệp huyện Tân Sơn đang chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững. Người nông dân đã và đang mạnh dạn đầu tư các loại giống mới, chất lượng cao cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và từng bước nâng cao thu nhập.
Bắt đầu trồng nho Hạ Đen từ đầu năm 2021, anh Đặng Quang Tiệp, xã Kiệt Sơn là một trong những người trồng nho khá sớm ở huyện Tân Sơn. Đến nay, vườn nho đã bắt đầu chín và cho thu hoạch. Nho Hạ Đen không hạt là giống nho thích hợp trồng ở các tỉnh vùng núi nước ta. Đặc biệt là vùng núi phía Bắc, nơi có ba tháng mùa đông lạnh dưới 180C, giống nho này vẫn rất sai quả và cho chất lượng tốt. Trong khi những giống nho khác trong nước thường tập trung chủ yếu ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận thì giống nho Hạ Đen có thể trồng được ở nhiều nơi. Nho Hạ Đen dễ trồng và nhanh cho ra quả, chất lượng quả hơn hẳn so với các giống nho bản địa. Cây nho ít sâu bệnh, có khả năng sinh trưởng tốt, có tuổi thọ cao, nhanh cho thu hoạch. Giá bán nho trên thị trường cũng cao hơn những giống nho khác. Nhờ những ưu điểm này mà nho Hạ Đen không hạt đã được nhân rộng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước và một số địa phương trong tỉnh.
Anh Tiệp cho biết: Hiện nay, gia đình tôi có 7ha trồng cây ăn quả, gồm cam Vinh lòng vàng, cam V2, quýt Thái và nho. Trong quá trình trồng và chăm sóc cây, gia đình tôi chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, tưới bón bằng đỗ tương, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản cũng như bảo vệ đất. Nhờ vậy, thu nhập từ cây ăn quả của gia đình khá ổn định. Năm 2021, tổng thu từ cam, quýt của gia đình đạt trên 2 tỉ đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Năm nay, vườn nho của gia đình cũng bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt khoảng 5 tạ, giá bán khoảng 120 – 150 nghìn đồng/1kg.
Không chỉ trồng cây ăn quả, đối với một số cây trồng thế mạnh của huyện như chè, bưởi, người nông dân cũng đã quan tâm thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Ông Phạm Xuân Vinh – chủ cơ sở sản xuất chế biến chè Vinh Trường – khu Đồng Tâm, xã Minh Đài có 1,8ha trồng chè, cây ăn quả và chăn nuôi chuồng trại. Trong đó, có 1ha để trồng chè Bát Tiên bởi theo ông đây là loại chè uống rất thơm, có vị ngọt hậu, thanh chè… Khi bán ra thị trường, chè Bát Tiên cũng có giá cao hơn so với các loại chè thông thường. Cùng với việc chọn giống chè, để có sản phẩm chè đạt chất lượng tốt, quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chè được ông thực hiện rất cẩn thận.
Cùng với trồng chè, ông Vinh còn trồng thêm 500 cây bưởi các loại, chủ yếu là bưởi diễn, bưởi da xanh, bưởi đỏ ruby, bưởi luận văn và nuôi ốc nhồi thương phẩm. Tổng thu nhập của gia đình ông khoảng 700 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn khoảng 300 triệu đồng.
Từng là huyện nghèo của tỉnh, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, giờ đây huyện Tân Sơn đã có sự chuyển mình rõ rệt đặc biệt là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Để phát triển những sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, đặc thù, huyện Tân Sơn cũng đã phát triển các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm chè xanh, gỗ, gà nhiều cựa…, giúp các chủ hộ nâng cao năng lực tự sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp của huyện dần đáp ứng được mẫu mã, chất lượng sản phẩm, thị trường được mở rộng.
Mong rằng trong thời gian tới, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn và các chủ thể liên kết, sẽ có thêm nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện Tân Sơn được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng, từng bước nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.