Phú Thọ: Đánh giá ảnh hưởng của vật liệu polyme đến năng suất, chất lượng chè kim tuyên

Tóm tắt – Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định được liều lượng bón vật liệu giữ ẩm AMS-1 phù hợp với giống chè Kim tuyên ở độ dốc >100, góp phần tăng năng suất và chất lượng chè nguyên liệu.

Các công thức thí nghiệm được bố trí theo kiểu Split – plot với 3 lần nhắc lại. Kết quả nghiên cứu của thí nghiệm cho thấy: ở liều lượng bón 35-40 kg/ha, AMS-1 cây chè cho năng suất và hàm lượng chất hòa tan cao hơn so với đối chứng lần lượt là 12,67 – 13,07% và 2,14 – 2,53%, các chỉ tiêu đặc điểm cảm quan đều đạt mức khá và cao hơn so với đối chứng.

1. Đặt vấn đề

Phú Thọ là một trong những tỉnh có diện tích trồng chè lớn trong cả nước, với tổng diện tích chè đạt 16,5 nghìn ha (đứng thứ 4 cả nước), năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 10,1 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 154,7 nghìn tấn (đứng thứ ba cả nước). Nhờ đẩy mạnh đầu tư, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất mà diện tích trồng chè trên địa bàn tỉnh đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn như RFA, UTZ ngày càng tăng (đạt 1,95 nghìn ha), mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan… với tổng sản lượng chè xuất khẩu năm 2015 đạt 17,5 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 25,8 triệu USD (Kế hoạch phát triển chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020).

Theo Kế hoạch phát triển chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, bên cạnh các vùng nguyên liệu chế biến chè đen, tỉnh cũng mở rộng phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh (trồng bằng các giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…), trong đó giống chè Kim tuyên được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, kết quả điều tra sơ bộ tại các vùng trồng chè Kim tuyên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cho thấy, khả năng chịu nắng hạn của chè Kim tuyên thấp hơn đáng kể so với các giống chè khác. Năm 2016, ¼ diện tích trồng chè Kim tuyên tại thị xã Phú Thọ giảm khả năng sinh trưởng và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất do nắng nóng kéo dài và khô hạn, trong khi đó việc chủ động nước tưới lại gặp khó khăn do chi phí đầu tư cao. Để giải quyết vấn đề trên, chúng tôi tiến hành thử nghiệm ứng dụng vật liệu polyme siêu hấp thụ nước AMS-1 vào sản xuất chè Kim tuyên tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, dưới đây là một số kết quả thu được.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành trên các đồi chè Kim tuyên có độ dốc trên 10o đang trong thời kỳ kinh doanh tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Phương pháp bố trí thí nghiệm:

Thí nghiệm được tiến hành từ tháng 6/2017 đến tháng 11/2017, gồm 4 công thức, cụ thể:
Công thức 1 (Đối chứng): Không bón vật liệu giữ ẩm AMS-1;
Công thức 2: Bón vật liệu giữa ẩm AMS-1 với liều lượng 30kg/ha;
Công thức 3: Bón vật liệu giữa ẩm AMS-1 với liều lượng 35kg/ha;
Công thức 4: Bón vật liệu giữa ẩm AMS-1 với liều lượng 40kg/ha.

Quy trình chăm sóc và bón phân được tiến hành theo quy trình đã và đang áp dụng tại địa phương (Bón thúc phân hữu cơ 1 lần/năm vào tháng 2 với liều lượng 25 tấn/ha, bón thúc phân NPK 4 lần/năm vào các tháng 2, 5, 7, 9 với liều lượng 150 kg N + 80 kg P2O5 + 100 kg K2O/ha/năm). Việc theo dõi, tiến hành vào tháng 11 (đầu mùa khô), các chỉ tiêu theo dõi gồm: Mật độ búp, khối lượng trung bình/ búp, chiều dài búp, năng suất thực thu, năng suất lý thuyết; các chỉ tiêu phân tích gồm: Hàm lượng tanin và chất hòa tan.

Các chỉ tiêu đánh giá chất lương chè thành phẩm gồm: Đặc điểm ngoại hình, màu nước, mùi, vị. Phương pháp đánh giá và cho điểm theo TCVN 3218:2012.

Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu được xử lý theo chương trình xử lý thống kê sinh học trên phần mềm IRIRSTAT.

3. Kết quả

a. Ảnh hưởng của chất giữ ẩm AMS-1 đến năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất chè Kim Tuyên

Vật liệu AMS-1 là một trong những sản phẩm polymer siêu thấm có khả năng trương nở và trữ nước cho cây trồng, đặc biệt là trong mùa khô. Khi áp dụng vật liệu giữ ẩm AMS-1 cho cây chè Kim tuyên trồng trên đất dốc > 10o, kết quả cho thấy AMS-1 có tác dụng tích cực đến năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất chè

Bảng 1: Ảnh hưởng của chất giữ ẩm AMS-1 đến năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất chè Kim tuyên.

Kết quả bảng 1 cho thấy, việc sử dụng vật liệu AMS-1 cho tác động tích cực đến năng suất và các chỉ tiêu cấu thành năng suất chè Kim tuyên. Tuy nhiên, sự sai khác này chỉ có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức sai khá ý nghĩa LSD0,05 ở các công thức 3 và 4 (công thức sử dụng AMS-1 với liều lượng 35-40 kg/ha). Cụ thể:

Ở công thức 1 (công thức không sử dụng AMS-1), mật độ búp đạt 195 búp/m2, khối lượng trung bình/búp đạt 0,88 g, chiều dài búp khoảng 5,45 cm, năng suất lý thuyết đạt 1293,00 kg/ha/lứa hái, năng suất thực thu đạt 1163,7 kg/ha/lứa hái. Công thức 2, các chỉ tiêu mật độ búp, khối lượng trung bình/búp, chiều dài búp, năng suất lý thuyết, năng suất thực thu đều tăng và lần lượt nhận các giá trị: 208,3 búp/m2, 0,90g, 5,83 cm, 1406,925kg/ha/lứa hái và 1266,233 kg/ha/lứa hái, song sự sai khác này không có ý nghĩa về mặt thống kê. Đến công thức 3, 4, năng suất và các chỉ tiêu cấu thành năng suất chè Kim Tuyên ở hai công thức này có giá trị tương đương nhau và cao hơn hẳn so với công thức đối chứng: Mật độ búp đạt 211,66 – 211,67 búp/m2 (cao hơn công thức đối chứng 7,88 %) khối lượng trung bình/búp đạt 0,93g (cao hơn công thức đối chứng 5,38%), chiều dài búp đạt 6,13 (cao hơn công thức đối chứng 11%), năng suất lý thuyết đạt 1480,604- 1487,448kg/ha/lứa hái (cao hơn công thức đối chứng 12,67 – 13,07%), năng suất thực thu đạt 1332,543 – 1338,703kg/ha/lứa hái (cao hơn công thức đối chứng 12,67 – 13,07%).

Kết quả tại bảng 1 cũng thấy, khi liều lượng AMS-1 tăng lên, năng suất và các chỉ tiêu cấu thành năng suất chè Kim tuyên cũng tăng, tuy nhiên càng về sau mức độ tăng càng không đáng kể.

b. Ảnh hưởng của chất giữ ẩm AMS-1 đến chất lượng chè Kim tuyên

Để đánh giá chất lượng chè Kim tuyên, thông qua hai tiêu chí là: Sinh hóa trong búp chè tươi và đặc điểm cảm quan của chè thành phẩm, cụ thể:

Đối với chỉ tiêu sinh hóa búp chè tươi, tiến hành phân tích hai chỉ tiêu là hàm lượng tanin và chất hòa tan có trong búp chè. Đây là hai chỉ tiêu quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các thuộc tính cơ bản của nước chè và chất lượng chè thành phẩm. Kết quả phân tích được tổng hợp tại bảng 2.

Bảng 2: Ảnh hưởng của vật liệu giữ ẩm tới thành phần sinh hóa của chè Kim tuyên.

Tanin là chất chất tạo hương vị chát đặc trưng của chè, trong quá trình chế biến, vị đắng ban đầu của tanin sẽ được chuyển hóa thành vị chát dễ chịu. Do vậy, chất chát vừa đủ sẽ tạo ra vị chát dễ chịu của nước chè, chất chát nhiều sẽ khiến chè bị đắng và có thể gây tác động xấu đến niêm mạc dạ dày khi uống. Từ số liệu bảng 2 nhận thấy: Hàm lượng tanin trong búp chè tươi ở các công thức thí nghiệm không có sự chênh lệch đáng kể và nằm trong khoảng giá trị hàm lượng tanin trong búp chè tươi nguyên liệu. Tuy nhiên, các công thức sử dụng chất giữ ẩm, hàm lượng tanin trong búp chè tươi thấp hơn so với không sử dụng, điều này cho thấy, việc không bổ sung chất giữ ẩm vào mùa khô làm búp chè tích lũy tanin nhiều hơn.

Trong chế biến chè thành phẩm, hàm lượng chất hòa tan càng cao, chất lượng chè sản phẩm càng tốt. Có thể dễ dàng nhận thấy, hàm lượng chất hòa tan ở các công thức có sử dụng vật liệu giữ ẩm cao hơn so với công thức đối chứng, đặc biệt là ở công thức 3 và 4 (hàm lượng chất hòa tan dao động trong khoảng 43,75 – 44,14% cao hơn đối chứng 2,14 – 2,53%). Như vậy, chất lượng chè sản phẩm ở các công thức sử dụng vật liệu giữ ẩm cũng sẽ cao hơn so với công thức đối chứng. Điều này được thể hiện phần nào khi đánh giá đặc điểm cảm quan chè sản phẩm.

Bảng 3: Ảnh hưởng của vật liệu giữ ẩm đến đặc điểm cảm quan chè thành phẩm.

Kết quả bảng 3 cho thấy: Chè sản phẩm ở cả 4 công thức nhìn chung đều đạt loại khá. Tuy nhiên, ngoại hình sản phẩm ở các công thức 2, 3 và 4 có búp xoăn xanh tương đối đồng đều về màu sắc. Hương chè và vị chè không khác nhau giữa các công thức, các mẫu đều có hương thơm tự nhiên, vị chát dịu và đều đạt 4 điểm. Như vậy, vật liệu giữ ẩm giúp cho cây chè có chất lượng cảm quan tốt hơn so với công thức đối chứng.

Kết luận

Vật liệu giữ ẩm AMS-1 cho tác dụng tích cực đến năng suất, các yếu tố cấu thành năng suất và chất lượng chè Kim tuyên trồng ở độ dốc >10o tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Khi liều lượng bón tăng, năng suất, chất lượng chè Kim Tuyên cũng tăng theo, tuy nhiên càng về sau mức độ tăng lại càng không đáng kể, do vậy liều lượng khuyến cáo cho các đồi chè ở đây là 35kg AMS-1/ha.

Tài liệu tham khảo

1. Kế hoạch số 5024/KH-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về Kế hoạch phát triển chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
2. Tiêu chuẩn ngành 10TCN 446-2001. Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch chè.
3. TCVN 3218-2012: Tiêu chuẩn Việt Nam – Chè – Xác định các chỉ tiêu cảm quan bằng phương pháp chấm điểm.
4. Vũ Thy Thư, Đoàn Hùng Tiến, Đỗ thị Gấm, Giang Trung Khoa (2001). Các hợp chất hóa học có trong chè và một số phương pháp phân tích thông dụng trong sản xuất chè ở Việt nam, tr 10, 61, 72, 110. NXB Nông nghiệp Hà Nội.


Nguyễn Quang Huy – Nguyễn Văn Huân – Nguyễn Hồng Ngọc – Trần Văn Cường
(Trung tâm Phát triển công nghệ cao – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)