BVR&MT – Ở Zimbabwe, phụ nữ, người già và trẻ em đang ngày càng hứng chịu những tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu ở vùng nông thôn. Những người nam giới, được coi là trụ cột gia đình – thường lên các khu vực thành thị để kiếm việc làm. Phụ nữ, người già và trẻ em phải ở lại các vùng nông thôn để duy trì đồng ruộng, trong khi năng suất nông nghiệp ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Marange là một vùng nông thôn cách thủ đô Harare 257 km về phía đông, do có lượng mưa thấp, đất cằn cỗi và những đợt khô hạn nghiêm trọng trong đợt hạn hán năm 1992 ám ảnh những người dân nơi đây. Trong năm đó, hơn một triệu con gia súc chết đói, năm triệu người cần viện trợ lương thực, trẻ em thì bị suy dinh dưỡng và mắc nhiều bệnh tật. Để tồn tại, các gia đình ngày càng có xu hướng cho con gái trong nhà kết hôn với những người đàn ông lớn tuổi hơn để đổi lấy ngũ cốc hoặc gia súc.
Những ký ức kinh hoàng này ám ảnh cô gái trẻ Shamiso Winnet Mupara, một cô gái trẻ đến từ Marange chia sẻ hồi ức kinh hoàng về thời kỳ hạn hán 1991 – 1992, về những khó khăn canh tác ruộng đồng với lượng mưa thất thường tại đây. Lớn lên, cô cùng bà mình đi hái thảo mộc chữa bệnh. Kể từ đó, cô nuôi dưỡng mối quan hệ và sự trân trọng đối với hệ sinh thái đồng cỏ của Zimbabwe – nguồn sinh kế cho cộng đồng nông thôn. Tiếp đến, nạn phá rừng do điên cuồng xuất khẩu gỗ và củi đã quét sạch các khu rừng Mupara gần đó, cô cùng những người phụ nữ khác phải đi xa hơn để tìm kiếm củi và nước.
Tất cả những kỷ niệm thời thơ ấu này đã ảnh hưởng đến sự cống hiến của cô trong việc thành lập Tổ chức môi trường Environmental Buddies Zimbabwe – EBZ – (Tạm dịch: Làm bạn với Môi trường Zimbabwe) vào năm 2012, nơi cô tập trung vào việc thay đổi cuộc sống của phụ nữ trong các cộng đồng nông thôn nghèo thông qua các sáng kiến trồng rừng và giáo dục.
Mupara đã dẫn đầu việc xây dựng các vườn ươm, trồng hơn 10.000 cây bản địa trên khắp đất nước và các chiến dịch nâng cao nhận thức về môi trường cho phụ nữ nông thôn. Năm 2022, cô được bổ nhiệm là thành viên của Tổ chức Phụ nữ vì Môi trường Châu Phi.
Để tìm hiểu sâu hơn về cách phụ nữ nông thôn đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu, phá rừng, khan hiếm nước và hạn hán ở Zimbabwe, mời bạn đọc lắng nghe những chia sẻ của của Shamiso Mupara nhé:
Xin cô cho biết tình trạng khan hiếm nước, xói mòn đất và hạn hán đã ảnh hưởng đến người dân nông thôn Zimbabwe, đặc biệt là những người phụ nữ như thế nào?
Shamiso Winnet Mupara: Phụ nữ ở Zimbabwe và Châu Phi thường xuyên tiếp xúc với môi trường tự nhiên trong những công việc hàng ngày như lấy nước, tìm củi, hái hoa quả dại và canh tác nông nghiệp. Suy thoái đất làm cho tất cả các nguồn tài nguyên nơi đây trên trở nên khan hiếm. Giờ đây những người phụ nữ hiện phải đi bộ quãng đường dài hơn để tìm được thứ cần thiết. Ở một số cộng đồng, phụ nữ phải đi bộ hơn 10 km để kiếm củi và nước. Những công việc này thường khiến họ mất cả ngày và họ không còn thời gian để thực hiện các hoạt động ý nghĩa khác như khởi nghiệp. Bởi vậy, hầu hết trong số họ vẫn nghèo.
Xói mòn đất và giảm độ thẩm thấu làm giảm sản lượng nông nghiệp, dẫn đến mất an ninh lương thực ở cấp hộ gia đình. Hầu hết các gia đình hiện nay đều dựa vào viện trợ lương thực từ chính phủ hoặc các tổ chức viện trợ quốc tế. Nạn phá rừng không chọn lọc cũng cho thấy việc chặt phá cây ăn quả, cây trồng – vốn là môi trường sống của các loài côn trùng và thú nhỏ ăn được – ảnh hưởng lớn tới chế độ ăn ở nông thôn. Phụ nữ ngày càng cảm thấy khó khăn trong việc nuôi sống gia đình hoặc tham gia vào các hoạt động kinh doanh có ý nghĩa dựa trên rừng như nuôi ong và vườn cộng đồng do đất đai bị suy thoái.
Vậy phụ nữ nông thôn Zimbabwe nghĩ gì về biến đổi khí hậu và các tác động liên quan?
Shamiso Winnet Mupara: Hầu hết các cộng đồng nông thôn hiện đã thừa nhận thực trạng biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực của nó đối với cuộc sống, môi trường và kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, thay vì ứng phó bằng cách bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên còn lại và khôi phục những tài nguyên đã mất, họ lại tiếp tục làm suy giảm các nguồn tài nguyên có hạn để nuôi sống gia đình. Tôi cũng cho rằng, việc tiếp tục làm thoái hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Tình trạng thiếu kiến thức về biến đổi khí hậu đang diễn ra.
Hầu hết các cộng đồng đều nhận thức được rằng biến đổi khí hậu có tồn tại, song họ không biết cách ứng phó. Họ cảm giác tuyệt vọng, vô vọng vì không biết tương lai sẽ ra sao. Không ai biết liệu khi nào những cơn lốc quét qua phá hủy nhà của họ và buộc họ phải di cư, hay khi nào hạn hán trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến khả năng nuôi sống gia đình của họ. Trong bối cảnh đó, những phụ nữ được giáo dục về thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu đã cố gắng đi đầu trong các chương trình như nông nghiệp thông minh với khí hậu. Tại Marange, các cộng đồng đã trồng các loại ngũ cốc chịu hạn như kê (Pennisetum glaucum), lúa miến (Sorghum bicolor) và sắn (Manihot esculenta).
Xin cô hãy chia sẻ thêm về Tổ chức Làm bạn với môi trường Zimbabwe (EBZ) và cách thức tổ chức hỗ trợ những phụ nữ nông thôn?
Shamiso Winnet Mupara: Là một tổ chức do phụ nữ lãnh đạo, một trong những mục tiêu chính của chúng tôi là trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua trồng rừng. Mang rừng đến gần các cộng đồng nông thôn hơn, giúp các em gái nhanh chóng hoàn thành công việc nhặt củi hàng ngày, qua đó khuyến khích, cho phép các em có thể ở lại trường học lâu hơn và tham gia vào các dự án tạo thu nhập khác như nuôi ong, chế tác đồ trang sức, tạo ra sự độc lập và giảm nghèo cho phụ nữ.
Tổ chức đã tài trợ cho các học sinh nữ tại Trường Trung học Buwerimwe từ năm 2019. Tổng cộng 5.000 phụ nữ đã được tiếp cận thông qua các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về môi trường tại bốn tỉnh khác nhau của Zimbabwe.
Năm 2020, 100 phụ nữ ở Mutare đã được hướng dẫn cách thức nuôi ong lấy mật trong khuôn khổ hoạt động trao quyền cho phụ nữ. Từ năm 2012, chúng tôi nhận thấy nhiều phụ nữ quan tâm đến việc trồng cây, đặc biệt là cây ăn quả tại các hộ gia đình.
EBZ dự định thúc đẩy trồng cây bản địa trên khắp đất nước vào năm 2030. Đây như là một cơ chế giảm nghèo và tạo nền tảng cho sự tham gia của các thành viên kém may mắn trong xã hội, không phân biệt giới tính.
Trước đó, chúng tôi thường chỉ phát cây tại các buổi họp mặt, với hy vọng các thành viên trong cộng đồng sẽ đi trồng chúng. Sau đó, chúng tôi nhận ra rằng, người ta chỉ lấy một cái cây vì nó miễn phí và không bao giờ bận tâm đến việc trồng hay chăm sóc cây. Kết quả là hầu hết các cây đều chết. Sau đó, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động giới thiệu, giáo dục và nâng cao nhận thức trong dự án để tạo dựng mối quan tâm đến môi trường. Thật kỳ diệu, phương pháp này lại hiệu quả. Giờ đây, cộng đồng đã thay đổi thái độ đối với việc trồng cây và sẵn sàng đến văn phòng của chúng tôi để lấy cây về trồng.
Tính đến nay, các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức đã tiếp cận tới hơn 10.000 cộng đồng, bao gồm 20 trường học trên khắp cả nước. 70% người tham gia các chương trình nâng cao nhận thức của chúng tôi là phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ trong nghề nuôi ong và làm vườn. Chúng tôi hiện có bảy học sinh, hai phụ nữ và năm nam giới, theo học Học bổng Felix Mupara của chúng tôi từ cấp tiểu học đến sau trung học.
Cô có thể chia sẻ vì sao cô muốn gắn bó với môi trường nông thôn Zimbabwe không?
Shamiso Winnet Mupara: Tôi lớn lên ở Marang. Từ bé, tôi đã là một cô gái yêu thiên nhiên. Bà nội tôi làm nghề thuốc đông y, thường đưa tôi vào núi để lấy rễ, lá và vỏ cây làm thuốc. Từ đó, tôi tham gia vào các hoạt động thường nhật của phụ nữ như chăn gia súc, làm nông nghiệp, kiếm củi, tìm trái cây dại và nước. Chúng tôi đã từng chặt cây mà không nghĩ đến việc trồng lại chúng. Khi cây cối gần nhà dần trở nên khan hiếm, chúng tôi phải đi bộ một quãng đường dài để kiếm củi. Một ngày của chúng tôi bắt đầu vào khoảng 3:30 sáng, bắt đầu một hành trình gần 10km lên núi kiếm củi và chúng tôi phải có mặt trong lớp trước 7:30 sáng.
Tôi cũng từng trải qua những hậu quả của đợt hạn hán 1991-1992. Cộng đồng chúng tôi tuyệt vọng chứng kiến cảnh đàn gia súc chết la liệt, nguồn nước cạn kiệt, và điều tồi tệ nhất là các gia đình bắt con gái tảo hôn để có đủ thức ăn hàng ngày. Rất ít gia đình có thể có được hai bữa ăn một ngày. Các loại quả dại như quả khỉ đầu chó (Strychnos spinosa), quả từ cây mupundu (Parinari curatellifolia) và marula (Scherocarya birrea) là thức ăn chính của mọi người. Hầu hết các em bé mới biết đi đều có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Các gia đình gả con gái để lấy thức ăn, theo một tập tục văn hóa ở một số vùng của Zimbabwe.
Theo cô, người dân Zimbabwe nên bắt đầu làm gì ngay hôm nay để khôi phục hệ sinh thái nông thôn?
Shamiso Winnet Mupara: Các cộng đồng phải bảo vệ, giữ gìn và khôi phục rừng – nơi gắn kết với cuộc sống của người dân nơi đây. Họ cần trồng cây và đào hố dự trữ nước mưa để giữ độ ẩm cho đất, ngăn chặn các hoạt động canh tác nông nghiệp ở bờ suối và lòng sông vì nó ảnh hưởng đến trữ lượng và chất lượng nước. Người dân cũng phải hạn chế việc đúc gạch và kinh doanh củi vì nó càng gây áp lực lên những khu rừng vốn đã mỏng manh.
Ngoài ra, họ cần được hỗ trợ để bắt đầu sản xuất các sản phẩm dựa rừng ngoài như nuôi ong, thu hoạch, chế biến trái cây dại, thủy sản và chăn nuôi lợn…. Tại Marange, EBZ đang thúc đẩy phát triển các khu vườn trồng cây ăn quả và hướng dẫn cộng đồng nuôi ong để tạo việc làm cho phụ nữ và thanh niên, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực ở cấp hộ gia đình.
Theo cô, làm thế nào để thúc đẩy bảo vệ môi trường ở Zimbabwe mà không khiến cộng đồng chán nản, lo sợ?
Shamiso Winnet Mupara: Giáo dục và nâng cao nhận thức là những bước đầu tiên. Giáo dục có chất lượng chỉ khi giáo dục phù hợp với mục đích. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều nguồn lực hơn phải được phân bổ theo hướng đó để tạo ra một nền tảng, nơi thông tin được chia sẻ giữa các bên liên quan, bao gồm cả cộng đồng. Cộng đồng lo sợ những gì họ không biết. Việc làm sáng tỏ biến đổi khí hậu thông qua giáo dục là rất cần thiết. Mặc dù biến đổi khí hậu nghe có vẻ đáng sợ, nhưng nó cũng tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động kinh doanh xanh như khí sinh học, năng lượng mặt trời, nông nghiệp thông minh với khí hậu, từ đó tạo ra việc làm cho người lao động.
Mọi người thường hiểu sai như thế nào về rừng và hạn hán và cô đã giải thích như thế nào với họ?
Shamiso Winnet Mupara: Thông thường, mọi người không liên kết rừng với nhiệt độ, lượng mưa, sản lượng nông nghiệp và nguồn nước sẵn có. Thiếu cây cối hoặc giảm độ che phủ rừng dẫn đến nhiệt độ cao, thiếu độ ẩm của đất, thiếu lượng nước bốc hơi và thiếu lượng mưa.
Nếu không có rừng hoặc thực vật giảm độ thẩm thấu, đất sẽ không có độ ẩm, gây khan hiếm nước cho cây trồng, giảm năng suất nông nghiệp. Thiếu rừng và thực vật đồng nghĩa với việc không có sự thẩm thấu, nước ngầm không tuần hoàn, giếng cạn nhanh, khan hiếm nước và phụ nữ phải đi bộ đường dài để tìm nước. Khuyến khích cộng đồng trồng cây để giải quyết những điều này dù khó khăn nhưng cần thiết. Tôi luôn mang theo các thiết bị hỗ trợ giảng dạy như tranh ảnh và hình vẽ để liên kết những tác động này với suy thoái đất để đảm bảo cộng đồng hiểu về suy thoái đất và các tác động tiêu cực của nó một cách khoa học hơn.
Thùy Dung (Theo Mongabay)