BVR&MT – Trong 5 năm qua, Hội Nông dân xã Tam Quang (huyện Tương Dương – Nghệ An) đã triển khai có hiệu quả nhiều phong trào người dân phát triển kinh tế, trong đó, nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đến các hội viên nông dân. Nhiều nông dân đã thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, kết hợp trồng cây ăn quả, chăn nuôi để vươn lên làm giàu.
Tam Quang là một xã biên giới, tiếp giáp với nước bạn Lào, nằm cách trung tâm huyện Tương Dương 30 km về phía đông, với tổng diện tích tự nhiên 37.523,53 ha; tổng dân số có 1.936 hộ, gồm 7.845 khẩu, trong đó hộ hội viên nông dân 957 hội viên chiếm 72,2%/tổng số hộ. Toàn xã gồm có 5 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống là dân tộc Thái, kinh, khơ mú, đan lai và dân tộc tày Pọong.
Đồng bào sinh sống, lao động sản xuất trong điều kiện bất lợi, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thường xuyên chịu rủi ro bởi biến đổi khí hậu nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số không khoanh tay ngồi yên mà chủ động biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng để tạo thêm sinh kế, tìm cách thoát nghèo bền vững.
Trao đổi với Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Phạm Xuân Diệu – Chủ tịch Hội nông dân xã Tam Dương cho biết: Người dân tại xã Tam Dương chủ yếu là người dân tộc thiểu số, làm kinh tế tại địa phương. Hiện nay, hội nông dân đã hỗ trợ, cũng như tuyên truyền để các hội viên phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Đến nay, đã có nhiều kết quả tốt, như mô hình nuôi bò, mô hình trồng cây thanh long, trồng lúa hữu cơ. Hội nông dân còn tích cực tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật đến với người dân trên địa bàn, như vừa qua tháng 9 tổ chức hội nghị triển khai thực hiện quy chế quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản được đông bảo bà con ủng hộ.
Vừa qua, Hội nông dân đã vận động vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Tỉnh thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản có 20 hộ tham gia. Tổng số vốn 600 triệu VNĐ, hiện nay đang được duy trì và phát triển tốt. Cán bộ, hội viên nông dân có 100% hội viên tham gia các lớp tập huấn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt. -Hàng năm tiếp tục đăng ký giúp đỡ, hỗ trợ 1-2 hộ, hội viên nghèo thoát nghèo. Triển khai kịp thời các văn bản của Hội cấp trên, tổ chức sơ kết, tổng kết từ cơ sở đến Chi hội thôn bản theo sự chỉ đạo của Đảng ủy và Hội cấp trên.
Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Đến nay, đã có nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 – 2020 được Hội nông dân huyện Tương Dương đề nghị khen thưởng.
Một số mô hình sản xuất có hiệu quả: Như mô hình chăn nuôi bò nhốt vỗ béo ở Làng Bãi Sở, Làng Nhùng, mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ ở Bãi Sở, mô hình mây tre đan của Ông Kha Văn Thương ở Tam Bông, mô hình nuôi dế, chim cút của ông Lương Văn Sa ở Tam Bông, mô hình chăn nuôi lợn thịt của bà Kha Thị Thanh ở Tam Bông đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Có nhiều gương điển hình người tốt, việc tốt trong việc thực hiện phát triển các mô hình kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo, hiến đất, hiến cây, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới; tự giác giải tỏa hành lang an toàn giao thông, giúp đỡ nhau trong lúc hoãn nạn, di dời tài sản, khắc phục hậu quả trong và sau lũ lụt.
Trên miền núi vùng biên giới Nghệ An của tổ quốc, không khó để tìm thấy những mô hình do đồng bào dân tộc thiểu số không thụ động trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà năng động, sáng tạo, chủ động tìm sinh kế mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Những mô hình đó đã tạo thu nhập, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai, thiếu đất sản xuất có xu hướng diễn ra ngày càng phức tạp ở nơi bà con sinh sống.
Điển hình gương mẫu về sản xuất, kinh doanh giỏi thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm: Mô hình sản xuất vườn ao chuồng của ông Tống Văn Chiến, ông Hồ Viết Minh Làng Bãi Sở. Mô hình cải tạo vườn tạp của Anh Lê Đăng Dần. Mô hình nuôi bò nhốt vỗ béo của Anh Nguyễn Hữu Duệ làng Bãi Sở. Mô hình cây ăn quả của ông Dương Hải Thịnh Làng Mỏ. Mô hình mây tre đan của Ông Kha Văn Thương Tam Bông. Mô hình nuôi dế và chim cút của Anh Lương Văn Sa bản Tam Bông. Mô hình chăn nuôi lợn của bà Kha Thị Thanh ở Bản Tam Bông. Mô hình kinh doanh, dịch vụ của bà Nguyễn Thi Hồng Chiến ở Bản Bãi Xa; bà Nguyễn Thị Bảy ở Làng Bãi Sở.
Giờ thì mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt đã không còn xa lạ đối với nhiều địa phương ở vùng cao. Các huyện miền núi, giáp biên giới của tỉnh Nghệ An cũng có mô hình “nuôi bò trên lưng”, là một cách nói ví von từ việc trồng cỏ, cắt cỏ, vác cỏ trên lưng về nuôi bò nhốt. Sự chủ động thích ứng với khó khăn, tìm cách để vươn lên phát triển kinh tế đã cho chúng ta thấy luôn tồn tại một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số có tư duy mới, có cách làm sáng tạo, vượt khó vươn lên, dẫn dắt cộng đồng xóa đói giảm nghèo bền vững.
Văn Trì