Phong Điền dấy lên hy vọng bảo tồn sau loạt bẫy ảnh thành công

BVR&MT – Việc ghi nhận hàng loạt loài thú quý hiếm thông qua bẫy ảnh tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền mới đây đã khẳng định giá trị đa dạng sinh học cao của kho báu tự nhiên này cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ Phong Điền trước các mối đe dọa từ bẫy săn và phát triển thủy điện.

Báo chí trong nước đầu tháng 6 đã loan báo tin vui về việc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (Viet Nature) bẫy được ảnh của hai cá thể Mang Trường Sơn cùng khoảng 30 loài chim và động vật có vú như trĩ sao (Rheinardia ocellata), thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi) và cầy vằn (Chrotogale owstoni). Hiện hai cá thể mang vẫn chưa được xác định chính xác nhưng các chuyên gia tại Quỹ Sao la ngờ rằng đó có thể là loài mang roosevel (Muntiacus rooseveltorum).

Ban đầu, việc đặt 110 máy bẫy ảnh tập trung vào vùng sinh cảnh của Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi) nhằm “bắt” được hình ảnh của loài động vật cực kỳ quý hiếm này. Tuy nhiên, thay vào đó, các máy bẫy ảnh lại bẫy được hàng chục cá thể quý hiếm khác.

Trĩ sao (Rheinardia ocellata) ở Vườn thú TPHCM (Ảnh: Diego Delso/Wikimedia Commons (CC BY-SA 4.0))

“Thực ra việc sử dụng bẫy ảnh để phát hiện loài có mật độ thấp thường cho hiệu quả không cao. Bạn đặt máy ảnh trên cây và bạn không chỉ phải dựa vào con vật đi ngang qua mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như máy không chết pin, không bị ngập nước, hình ảnh không bị nhòe; có rất nhiều bẫy ảnh có thể thất bại và chỉ có một cách duy nhất để nó có thể thành công. Vì vậy, nếu một con vật được phát hiện qua bẫy ảnh thì đó mới là “phần nổi của tảng băng chìm tức quần thể ở mật độ đủ cao để có thể bị bẫy ảnh, vì vậy việc ghi nhận được nhiều hình ảnh quý hiếm như ở Phong Điền là điều rất đáng khích lệ”, Lorrain Scotson, Giám đốc điều hành Quỹ Sao la chia sẻ.

Ben Rawson, Giám đốc bảo tồn và phát triển chương trình tại WWF cho biết: “Phong Điền vẫn là một khu vực ưu tiên đầu tư cho cảnh quan Trung Trường Sơn vì nó vẫn lưu giữ các quần thể của một loạt loài đặc hữu và bị đe dọa, cũng như đóng vai trò quan trọng trong kết nối rừng cảnh quan. “Trong quá trình bẫy ảnh chuyên sâu được thực hiện vào năm 2018, một số loài không được phát hiện tại các địa điểm khác thì lại được phát hiện ở Phong Điền – điều này cho thấy việc đầu tư thêm vào địa điểm này rất hứa hẹn dù việc phát hiện loài cũng khá thất thường”.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền được thành lập vào ngày 13/11/2002, rộng 40.815 ha, trong đó 28.054 ha được bảo vệ nghiêm ngặt khỏi bất kỳ hoạt động nào của con người. Ban đầu, Khu được thành lập nhằm đáp ứng việc tái phát hiện loài gà lôi Edwards cực kỳ nguy cấp vào năm năm 1996, loài được coi là có thể đã tuyệt chủng tính đến thời điểm đó. Tuy nhiên, không có mẫu vật sống nào được nhìn kể từ năm 1996 và kỷ lục duy nhất gần đây là bức ảnh năm 2018 về một cá thể gà lôi mái Edwards đã chết ở huyện A Lưới, bao gồm một phần của Khu Bảo tồn.

Gà lôi Edward’s cực kỳ nguy cấp là loài đặc hữu của rừng mưa nhiệt đới Việt Nam (Ảnh: cuatrok77/Flickr (CC BY-SA 2.0).

Nhìn chung, trong số 38 loài động vật có vú, 204 loài chim, 35 loài bò sát và lưỡng cư và 755 loài thực vật đã được mô tả trong Khu Bảo tồn có nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, theo số liệu từ USAID. Cầy vằn và thỏ vằn Trường Sơn chỉ được tìm thấy ở những vùng núi này và sự hiện diện của chúng càng tăng thêm giá trị cho Phong Điền cũng như đa dạng sinh học miền Trung Việt Nam và các vùng lân cận của Lào. Do thiếu các báo cáo xác nhận về gà lôi Edwards kể từ năm 1996 nên loài này không được đưa vào danh sách này.

Dù đang hân hoan với tin vui bẫy ảnh, song như bất kỳ khu bảo tồn nào ở Việt Nam, các mối đe dọa đối với rừng và đa dạng sinh học vẫn dai dẳng. Rawson nói: Các cuộc điều tra về động vật hoang dã được WWF thực hiện vào năm 2018 cho thấy săn bắn bằng bẫy vẫn là một mối đe dọa lớn vì nó hiện diện ở hầu hết các khu bảo tồn trong khu vực. Mối đe dọa này đã dẫn đến việc cạn kiệt các quần thể động vật hoang dã trên cạn vốn dễ bị săn bắt bằng bẫy. Ngoài ra, môi trường sống bị chia cắt cũng là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là ở các thung lũng sông.

USAID lưu ý việc phát triển thủy điện vốn phổ biến ở các vùng miền núi của Việt Nam cũng là mối đe dọa lâu dài đối với công tác bảo tồn. Việc phát quang môi trường sống, phát triển cơ sở hạ tầng, săn bắn và tiêu thụ động vật hoang dã do các đội xây dựng tiến hành ít nhiều góp phần tác động đến các giá trị của khu vực.

Các nhà bảo tồn hy vọng kết quả bẫy ảnh sẽ thúc đẩy sự chú ý của các nhóm bảo tồn và Ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền trong việc bảo vệ các loài quý hiếm.

“Sau một số cuộc khảo sát tích cực về động vật hoang dã trong năm 2018, WWF-Việt Nam dự kiến tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện việc quản lý các khu bảo tồn trong những năm tới”, Rawson cho biết.

Các nhà bảo tồn hy vọng với việc cải thiện quản lý và hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng địa phương, các quần thể động vật hoang dã sẽ bắt đầu phục hồi (Ảnh: WWF-USAID)

Thảo Vy (Theo Mongabay)