BVR&MT – Thời gian này, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nắng nóng cực đoan, nhiệt độ có lúc trên 40 độ C. Trước thời tiết nắng nóng xảy ra, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ khẩn trương tổ chức các phương án phòng cháy, chữa cháy, bố trí lực lượng chốt, gác các điểm nguy cơ xảy ra cháy và tiến hành tuần tra thường xuyên nhằm hạn chế tối đa các điểm phát lửa.
Trong cái nắng nóng đầu mùa, chúng tôi đến khu rừng ven hồ Kẻ Gỗ thuộc địa phận xã Cẩm Mỹ huyện Cẩm Xuyên. Chứng kiến một tốp người gồm lực lượng Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phối hợp với kiểm lâm và người dân đang hì hục dùng máy cắt, dao, rựa phát quang bụi rậm, làm đường băng cản lửa.
Ông Phạm Văn Dũng, Thôn Mỹ Lâm xã Cẩm Mỹ huyện Cẩm Xuyên cho biết, gia đình có nhận khoanh nuôi, bảo vệ mấy ha thông, keo nên hàng năm, ông cùng với cán bộ kiểm lâm và người dân ở đây thường làm đường băng cản lửa, thu dọn thực bì và cùng tham gia các hoạt động phòng chống cháy và bảo vệ rừng. Ông Dũng cho biết thường phát hiện và báo cho các đơn vị chức năng ngăn chặn một số người dân vào rừng đốt tổ ong lấy mật, đặt bẫy thú rừng.
Ngay từ thời điểm này, Ban quản lý Khu bảo tồn hiên nhiên Kẻ Gỗ tổ chức nhiều bộ phận, lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các phương án phòng chống cháy rừng.
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ là đơn vị được giao quản lý trên 44.000 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, rừng đặc dụng trên 21.700 ha, rừng phòng hộ trên 16.000 ha, rừng sản xuất trên 3.300 ha. Diện tích rừng do Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý rộng khắp 15 xã thuộc 4 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh và huyện Hương Khê. Đặc biệt, một số diện tích rừng trải dài 10 km giáp ranh với huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình. Bởi vậy việc phòng chống cháy và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, Khu bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ bao trọn hồ Kẻ Gỗ, hồ Bộc Nguyên và các hồ đập khác với diện tích mặt nước gần 2.800 ha. Trong mùa nắng nóng nhiều đoàn du khách thập phương đi du lịch, píc ních ven hồ Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên nên nguy cơ phát lửa rất lớn, bởi vậy việc phòng chống cháy rừng cần phải được nâng cao và siết chặt.
Theo ông Phan Duy Khai, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ, bước vào mùa nắng nóng năm nay, đơn vị kiện toàn bộ máy phòng cháy chữa cháy rừng, chuẩn bị phương tiện dụng cụ chữa cháy rừng như máy thổi gió, cưa xăng, máy cắt thực bì, máy định vị, quần áo bảo hộ lao động, giày dép, ba lô và rất nhiều dụng cụ chuyên dụng khác.
Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức tập huấn, lập cam kết cho 200 hộ hộ kinh doanh và hộ dân tham gia nghề rừng trên địa bàn các huyện. Làm các băng rôn, khẩu hiệu panô, áp phích treo trên các trục đường, khu dân cư để tuyên truyền cho nhân dân về phòng chống cháy rừng.
Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, tỉnh Hà Tĩnh có trên 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, ngay từ đầu mùa nắng nóng, chi cục đã có các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng các phương án bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ là đơn vị có diện tích rừng lớn trải rống khắp địa bàn 4 huyện trong tỉnh và giáp với tỉnh Quảng Bình nên sớm chủ động thực hiện các phương án phòng chống cháy rừng.
Để bảo vệ và phòng chống cháy rừng hiệu quả cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân trong phối hợp và ý thức phòng chữa cháy rừng. Từ đó hạn chế các điểm phát lửa và nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng khống chế khi có điểm phát lửa tránh thiệt hại lớn xảy ra.