BVR&MT – Để bảo vệ gần 67 nghìn ha rừng trước nguy cơ “giặc lửa” tấn công, cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, 5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng.
Là địa phương có diện tích rừng trồng lớn (bình quân hơn 3,5 ha/hộ) nên xã Hữu Sản luôn xác định bảo vệ an toàn cho những cánh rừng là “chìa khóa” để nâng cao thu nhập cho người dân, tạo đà phát triển KT-XH. Từ nhiều năm nay, công tác bảo vệ, phát triển rừng được Đảng bộ xã đưa vào Nghị quyết về phát triển KT-XH của địa phương.
Cùng với khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, UBND xã xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong những ngày cao điểm. Tổ chức ký cam kết về bảo vệ rừng, PCCCR giữa trưởng thôn với Chủ tịch UBND xã và giữa trưởng thôn với hộ dân.
Thực hiện cam kết này, khi phát hiện thấy nguy cơ cháy, người dân trong xã đều có trách nhiệm thông báo đến Tổ thường trực bảo vệ rừng của xã và trực tiếp tham gia chữa cháy. Đầu tháng 5 vừa qua, nhận được thông tin có cháy tại khu rừng sản xuất của gia đình bà Hà Thị Tính ở thôn Dần 3, Tổ xung kích bảo vệ rừng của thôn phối hợp với người đi rừng triển khai ngay phương án dập lửa, không để xảy ra thiệt hại.
Đồng chí Trịnh Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Sản cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nhân dân trong xã khai thác được 320 ha rừng trồng, thu về hơn 32 tỷ đồng. Kinh tế rừng mang đến cho người dân nguồn thu lớn nên ai cũng có trách nhiệm với rừng, không để cháy rừng”.
Để bảo vệ hơn 2,1 nghìn ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 1,3 nghìn ha, 6/6 thôn tại xã An Bá đều có quy ước, hương ước bảo vệ rừng. Kết quả, 5 năm trở lại đây, trên địa bàn không xảy ra vụ cháy rừng nào, độ che phủ của rừng đạt 72%. Tương tự, từ khi có Tổ bảo vệ rừng cộng đồng, hơn 160 ha rừng tự nhiên tại thôn Gà, xã Vân Sơn cũng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Anh Triệu Sinh Điền, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng cộng đồng thôn Gà nói: “Mỗi ngày, chúng tôi đều bố trí một ca đi rừng, tập trung vào khung giờ dễ xảy ra vi phạm như sáng sớm, buổi trưa, chiều tối. Dịp cuối tuần, Tổ bố trí một người tại khu vực Đồng Cao để nhắc nhở du khách cẩn trọng khi sử dụng lửa”.
Với gần 67 nghìn ha rừng, trong đó có gần 50% là rừng trồng, còn lại là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, hằng năm UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai phương án PCCCR; thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng. UBND huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với các địa phương kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR cấp xã và tổ xung kích tại các thôn. Ở những địa bàn có nhiều rừng tự nhiên, khu du lịch, các địa phương đều thành lập Tổ thường trực PCCCR.
Mặc dù nhiều năm trở lại đây trên địa bàn huyện không xảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng, gây hậu quả lớn song nguy cơ vẫn luôn hiện hữu. Ngày 15/3 vừa qua, khi đốt dọn thực bì, do bất cẩn, bà Hoàng Thị Viết, trú tại thôn Đặng (xã Vĩnh An) đã làm cháy lan sang vườn keo 3 năm tuổi bên cạnh.
Dù đám cháy được khống chế ngay, không gây thiệt hại song cũng cho thấy người dân còn chủ quan. Tại một số điểm du lịch gần rừng đặc dụng, phòng hộ như: Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ, Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử…, tình trạng người dân đốt lửa nướng thịt vẫn xảy ra dù các địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở.
Nhìn nhận rõ những nguy cơ cháy rừng, ngay từ đầu năm, UBND huyện yêu cầu các địa phương rà soát, có phương án PCCCR rừng phù hợp với từng khu vực; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra các vụ phá rừng, cháy rừng.
Với trách nhiệm của mình, Hạt Kiểm lâm huyện yêu cầu kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám nắm cơ sở, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện phương án PCCCR giai đoạn 2019-2023 đã được phê duyệt. Hỗ trợ các địa phương, chủ rừng thành lập, kiện toàn 131 tổ, đội xung kích bảo vệ rừng và PCCCR với gần 1 nghìn thành viên. Rà soát, đề nghị hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất đối với hơn 8,6 nghìn ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất.
Đồng chí Hoàng Văn Nguyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Trước diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay, nguy cơ cháy rừng luôn hiện hữu. Cùng với hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định về PCCCR, chúng tôi đang nghiên cứu triển khai mô hình mẫu trong đốt dọn thực bì, trong đó đề cao yếu tố an toàn, hiệu quả và tiết kiệm”.
Đến nay, các địa phương trong huyện đã thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của 131 tổ, đội xung kích bảo vệ rừng và PCCCR. |