BVR&MT – Theo Phó Thủ tướng, hoạt động điều tra cơ bản đất đai là thông tin đầu vào hết sức quan trọng và cần thay đổi tư duy trong xác định những khu vực cần điều tra để các thông số sát thực tế, chính xác.
Chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia và kết nối trực tuyến với 63 địa phương về dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai (dự thảo Nghị định), chiều 12/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu thay đổi tư duy, tăng tốc số hóa hệ thống thông tin quản trị tài nguyên đất đai.
Xây dựng dữ liệu số về đất đai minh bạch và chặt chẽ
Theo Phó Thủ tướng, hoạt động điều tra cơ bản đất đai là thông tin đầu vào hết sức quan trọng và cần thay đổi tư duy trong xác định những khu vực cần điều tra để các thông số sát thực tế, chính xác, phục vụ công tác quản lý, theo dõi biến động tài nguyên đất quốc gia.
Từ thực trạng thiếu thông tin chính xác, tin cậy về hồ sơ, bản đồ địa chính, trong khi dữ liệu đất đai biến động thường xuyên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “nhất định phải số hóa” nhằm thiết lập hệ thống quản trị hiệu quả, giải quyết căn cơ bất cập, hạn chế trong quản lý đất đai, “giảm nhiêu khê, phiền hà” cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
“Các thửa đất đã có dữ liệu, thông tin minh bạch, có tọa độ, ranh giới rõ ràng sẽ được Nhà nước bảo hộ về mặt pháp lý,” Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến việc xử lý những thửa đất chưa được đăng ký, cấp giấy chứng nhận, Phó Thủ tướng lưu ý một số giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục; miễn giảm các loại phí, hỗ trợ chi phí, cho nợ đối với người sử dụng đất; có chế tài về hoạt động giao dịch với những thửa đất chưa có giấy chứng nhận…
“Đối với thửa đất đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu cần giải quyết dứt điểm các tranh chấp (nếu có) theo quy định pháp luật về khiếu nại tố cáo,” Phó Thủ tướng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Nghị định cần quy định rõ, bảo đảm khả thi về thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với hoạt động điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực cơ sở vật chất, con người của cơ quan tư vấn, điều tra, đo đạc đất đai và chế tài quản lý.
Về cấu trúc hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia đất đai, Phó Thủ tướng lưu ý: “Cần tích hợp, kế thừa các dữ liệu đã có. Nghị định phải bám sát các nội dung của Luật Đất đai, chế định các điều khoản để đạt được mục tiêu nhanh chóng xây dựng dữ liệu số về đất đai minh bạch và chặt chẽ.”
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, huy động các chuyên gia khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định trong tháng 6/2024 để khi ban hành không bị vướng mắc, dễ hiểu, dễ thực hiện đối người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Chuyển đổi số công tác quản lý đất đai
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 68 điều quy định chi tiết 11 nội dung được giao trong Luật Đất đai.
Nghị định được ban hành nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững.
Hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
Đồng thời, Nghị định nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai; tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội các cấp và nhân dân.
Ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu Thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Nghị định có một số chính sách mới liên quan đến nguyên tắc đo đạc, lập, sử dụng bản đồ địa chính; trách nhiệm, thẩm quyền trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra cơ bản đất đai với các chỉ tiêu cụ thể và xây dựng cơ sở dữ liệu; yêu cầu phải đăng ký thông tin về thửa đất; quy định cụ thể thành phần hồ sơ đối với từng thủ tục; phân định trách nhiệm của các cơ quan ban hành giấy tờ trong hồ sơ…
“Sau khi Nghị định được ban hành, các cơ quan không được yêu cầu thêm giấy tờ không có trong quy định về hồ sơ, thủ tục,” ông Mai Văn Phấn khẳng định.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận liên quan đến nội dung, cấu trúc, kiểu thông tin, yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; kết nối dữ liệu người sử dụng đất với thông tin thửa đất; phân biệt rõ các hoạt động đo đạc lại, đo đạc bổ sung, chỉnh lý bản đồ địa chính; trình tự, thủ tục về đăng ký biến động đất đai; quy định rõ thẩm quyền của văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh và chi nhánh văn phòng; trách nhiệm trong đính chính sai sót trong giấy chứng nhận…
Một số ý kiến đề xuất cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký biến động gắn liền với các giao dịch đất đai, do toàn bộ thông tin thửa đất và tài sản đã được tích hợp vào giấy chứng nhận. Khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đồng thời đăng ký biến động và không cần thêm hồ sơ; từ đó giảm bớt thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.