Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương

BVR&MT – Chiều 12/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Ngoại giao Na Uy đồng tổ chức “Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Ven biển Quy Nhơn có nhiều vùng rạn san hô đa dạng, phong phú cần được bảo vệ. Ảnh: minh hoạ Tường Quân/TTXVN

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (12-13/5/2022) theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, có sự tham dự của trên 400 đại biểu đến từ hơn 70 quốc gia, bao gồm các nhà lãnh đạo, các nhà chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các tổ chức phi Chính phủ, các trung tâm nghiên cứu toàn cầu…

Hội nghị với chủ đề “Giải pháp cho một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu” nhằm thảo luận các cơ hội chính trong việc thúc đẩy, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển cũng như các thách thức chính của khủng hoảng COVID-19, biến đổi khí hậu và ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xác định cơ hội thúc đẩy hành động bảo vệ các hệ sinh thái biển với mục tiêu phục hồi kinh tế biển và phát triển kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng và quốc gia dễ bị tổn thương. Đồng thời, Hội nghị cũng là dịp các nước trao đổi kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu nhằm đẩy mạnh việc chia sẻ kiến thức về kinh tế biển bền vững thành công, các chiến lược và hành động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh, bảo vệ sức khỏe của các đại dương chính là bảo đảm bền vững cho các vấn đề tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng xã hội, an ninh lương thực, giải quyết sinh kế và việc làm ở nhiều quốc gia, đặc biệt đối với các quốc gia dễ bị tổn thương như các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các quốc gia có vùng ven biển thấp. Để bảo vệ đại dương, Trái đất cho các thế hệ hôm nay và mai sau, chúng ta cần thống nhất về nhận thức và hành động để xác định đúng các rủi ro, chuyển hóa những thách thức nghiêm trọng thành những cơ hội phát triển mới, kịp thời khắc phục được những khiếm khuyết trong các mô hình phát triển trước đây.

Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực trong Cộng đồng quốc tế, sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia và các đối tác chia sẻ tri thức khoa học, kinh nghiệm, nguồn lực và các sáng kiến quản lý tổng hợp vì một nền kinh tế biển xanh bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Văn Thành cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, khi thế giới đang hướng tới hưởng ứng “Ngày đại dương thế giới 2022 với chủ đề: Hồi sinh- cùng hành động vì đại dương” và khẩn trương triển khai các cam kết về khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP 26) vừa qua.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mong muốn, các quốc gia quan tâm cùng chung tay hành động vì nhân loại cũng như sự sống trên Trái đất. Theo đó, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với sự sinh tồn của cộng đồng dân cư của mỗi quốc gia, mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, của thiên nhiên, nơi nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự thịnh vượng của nhân loại trên Trái Đất.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, ô nhiễm biển, rác thải nhựa đại dương là vấn đề cấp bách toàn cầu, do vậy, các quốc gia cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Trong giai đoạn tới, các quốc gia cần khắc phục bằng được những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu. Đồng thời, các quốc gia cần quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển, ven biển, phát triển năng lượng tại đại dương phải dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật biển xanh, tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, các quốc gia phát triển cần có trách nhiệm hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm quản lý và chuyển giao công nghệ. Các quốc gia đang phát triển cần phấn đấu sớm nắm vững khoa học kỹ thuật biển xanh và tiếp cận quản lý để chúng ta cùng nhau tiến ra biển với một tâm thể bình đẳng, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu của biển và đại dương.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Na Uy Anniken Huitfeldt cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các quốc gia thành viên cùng nỗ lực, chung tay với các bộ, ngành để đạt các mục tiêu, xử lý các vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xác định cơ hội thúc đẩy hành động bảo vệ các hệ sinh thái biển với mục tiêu phục hồi kinh tế biển và phát triển kinh tế; đồng thời thực hiện tốt các chương trình Nghị sự chung của Hội nghị.

Phát biểu đề dẫn tại Hội Nghị, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Achim Steiner cho rằng, đây là Hội nghị quốc tế quan trọng, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, đặc biệt là trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, Triển lãm Đóng góp của doanh nghiệp và các sáng kiến phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trong suốt thời gian Hội nghị. Đáng chú ý có mô hình xây dựng nhà chống bão, lụt tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao như: Mạng lưới chất lượng không khí PAM Air; giải pháp thư viện thông minh Lima; giải pháp quan trắc môi trường nhà máy, khu công nghiệp PAM CEMS…