Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng

BVR&MT – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1626/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, về mục tiêu thăm dò, thăm dò đánh giá chất lượng, trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong quy hoạch bao gồm thăm dò mới, thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi các dự án đang khai thác nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng tối đa nhu cầu nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng của nền kinh tế cho giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục hoàn thành việc thăm dò, phê duyệt trữ lượng đối với các giấy phép thăm dò đã cấp.

Về mục tiêu khai thác, duy trì các giấy phép khai thác đã được cấp bảo đảm tính ổn định cho các dự án chế biến, sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã đầu tư xây dựng.

Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Cấp giấy phép cho các dự án khai thác khoáng sản tại các khu vực đã được thăm dò phù hợp với quy hoạch, bảo đảm đủ trữ lượng, chất lượng khoáng sản, đáp ứng tối đa nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng đang hoạt động, đang và sẽ đầu tư xây dựng. Việc khai thác khoáng sản phải thu hồi tối đa khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm, bảo đảm hiệu quả, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và an ninh quốc phòng.

Công suất khai thác các khu vực khoáng sản trong quy hoạch là con số tối đa cho phép (chưa bao gồm khoáng sản đi kèm), được xác định trên cơ sở kết quả phê duyệt trữ lượng của cơ quan có thẩm quyền và dự án đầu tư khai thác khoáng sản đã được phê duyệt theo quy định, phù hợp với cung – cầu thị trường theo từng giai đoạn và từng vùng, khu vực quy hoạch.

Về chế biến và sử dụng, duy trì và phát triển các dự án chế biến, sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; tăng cường đầu tư cải tiến công nghệ – thiết bị, áp dụng quản trị công nghệ để tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Về Quy hoạch thăm dò, khai thác theo các nhóm khoáng sản, trong đó, nhóm khoáng sản làm xi măng, giai đoạn đến năm 2030, dự kiến cấp mới các giấy phép thăm dò tại 36 khu vực khoáng sản đá vôi, 46 khu vực khoáng sản sét và 31 khu vực các loại khoáng sản làm phụ gia; tiếp tục hoàn thành việc thăm dò, phê duyệt trữ lượng đối với 14 đề án thăm dò khoáng sản đá vôi, 19 đề án thăm dò khoáng sản sét, 09 đề án thăm dò các loại khoáng sản làm phụ gia đã được cấp giấy phép thăm dò; tiếp tục thăm dò bổ sung theo chiều sâu, nâng cấp trữ lượng đối với các mỏ đã được cấp giấy phép khai thác. Tổng trữ lượng thăm dò các khu vực quy hoạch dự kiến đạt được với khoáng sản đá vôi khoảng 3.658.100 nghìn tấn, với khoáng sản sét khoảng 962.600 nghìn tấn và với các loại khoáng sản làm phụ gia khoảng 499.300 nghìn tấn.

Dự kiến cấp mới các giấy phép khai thác tại 38 khu vực khoáng sản đá vôi, 52 khu vực khoáng sản sét và 34 khu vực các loại khoáng sản làm phụ gia; tiếp tục cấp giấy phép khai thác cho các dự án được thăm dò bổ sung; thực hiện 115 dự án khai thác đá vôi với trữ lượng khai thác khoảng 1.758.700 nghìn tấn, 107 dự án khai thác sét với trữ lượng khai thác khoảng 348.300 nghìn tấn và 49 dự án khai thác các loại khoáng sản làm phụ gia với trữ lượng khai thác khoảng 187.900 nghìn tấn.

Với nhóm khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ, giai đoạn đến năm 2030 dự kiến cấp mới các giấy phép thăm dò tại 93 khu vực khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ và 23 khu vực khoáng sản thạch anh, quarzit; tiếp tục hoàn thành việc thăm dò, phê duyệt trữ lượng đối với 83 đề án thăm dò khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ và 09 đề án thăm dò khoáng sản thạch anh, quarzit đã được cấp giấy phép; tiếp tục thăm dò, nâng cấp trữ lượng đối với các mỏ đã được cấp giấy phép khai thác. Tổng trữ lượng thăm dò các khu vực quy hoạch dự kiến đạt được với khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ khoảng 407.000 nghìn m3 và với khoáng sản thạch anh, quarzit khoảng 96.500 nghìn tấn.

Dự kiến cấp mới các giấy phép khai thác tại 163 khu vực khoáng sản làm đá ốp lát, mỹ nghệ, 32 khu vực khoáng sản thạch anh, quarzit; thực hiện 260 dự án khai thác đá ốp lát, mỹ nghệ với trữ lượng khai thác khoảng 64.100 nghìn m3 và 32 dự án khai thác thạch anh, quarzit với trữ lượng khai thác khoảng 10.800 nghìn tấn.

Về quy hoạch chế biến và sử dụng, tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và các ngành khác làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản tự nhiên, giảm ô nhiễm môi trường.

Khoáng sản làm vật liệu xây dựng được khai thác cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến và sử dụng theo cân đối của nhu cầu thị trường. Sử dụng khoáng sản trước hết phải ưu tiên cho nhu cầu trong nước, bảo đảm cân đối hài hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu; chỉ xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định.

Đầu tư các dự án sản xuất xi măng phải dự kiến nguồn nguyên liệu chính (đá vôi và sét) nằm trong quy hoạch bảo đảm đủ trữ lượng và chất lượng.

Đầu tư các dự án sản xuất vôi công nghiệp phải dự kiến nguồn nguyên liệu chính (đá vôi, dolomit) nằm trong quy hoạch bảo đảm đủ trữ lượng và chất lượng.

Sơn Tinh

Tags: ,
CHIA SẺ