BVR&MT – Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây Bắc, được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, tạo tiềm năng thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao nói chung và các loại cây ăn quả nói riêng.
Những năm gần đây, cùng với việc khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; trong đó, có cây xoài, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các địa phương tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thông qua việc vận động các hợp tác xã và các hộ trồng xoài đưa giống cây có năng suất, chất lượng vào thâm canh, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, sản xuất nông nghiệp an toàn, nhất là việc bao trái cho xoài. Đây là phương pháp tạo ra sản phẩm xoài có chất lượng cao, ngăn chặn côn trùng xâm nhập, tránh được nhiều loại bệnh, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Gần đến thời điểm thu hoạch, gia đình chị Lò Thị Ly ở xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La tất bật với việc bao trái cho xoài. Gia đình chị rút kinh nghiệm từ vụ trước, sản phẩm xoài chưa đảm bảo mẫu mã, chất lượng, ảnh hưởng đến giá bán và sản lượng tiêu thụ. Năm nay, gia đình chị đã chăm sóc trái xoài theo đúng quy trình, nên mẫu mã đẹp, năng suất cao.
Chị Lò Thị Ly chia sẻ, gia đình chị có 4 ha xoài, dự kiến năm nay cho thu hoạch khoảng 15 tấn quả. Sản phẩm xoài chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc và tiêu thụ nội địa, nên gia đình chị đã chăm sóc cẩn thận, nhất là việc bao trái cho xoài để mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Thành phố Sơn La hiện có hơn 4.000 ha cây ăn quả; trong đó, chủ yếu là xoài, mận, nhãn… Thành phố đã chủ động triển khai các phương án kết nối, tiêu thụ sản phẩm xoài và các loại trái cây cho người dân.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La cho biết, thành phố đã có kế hoạch tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm trái cây, trong đó có quả xoài; đồng thời, tuyên truyền, củng cố và phát triển hợp tác xã để làm đầu mối với các doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, trong đó có trái xoài. Cùng với đó, thành phố Sơn La tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm nông sản và đưa các sản phẩm đó ra thị trường để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ cho người dân.
Là địa phương có vựa cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước, toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 82.800 ha cây ăn quả gồm xoài, nhãn, chuối, cây ăn quả có múi và một số loại cây ăn quả khác, với sản lượng khoảng 400.000 tấn; trong đó, diện tích xoài có khoảng 20.000 ha trồng tập trung tại các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Sông Mã, thành phố Sơn La…, sản lượng ước đạt khoảng trên 60.000 tấn quả. Niên vụ xoài trên địa bàn tỉnh Sơn La bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm.
Để tiêu thụ các loại trái cây nói chung và sản phẩm xoài nói riêng, ngay từ đầu năm, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết cũng như tổ chức mời gọi các doanh nghiệp đến để khảo sát vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, để giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, có thu nhập ổn định, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã đồng hành, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Lường Trung Hiếu thông tin, năm 2022, hội tiếp tục đồng hành với người dân trong tiêu thụ nông sản thông qua kênh tiêu thụ của Hội nông dân, hệ thống sàn giao dịch thương mại điện tử… đồng thời, Hội nông dân tỉnh làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu, Hội nông dân các tỉnh, thành phố và một số đơn vị khác để hỗ trợ Sơn La đưa sản phẩm nông sản tham gia vào thị trường các tỉnh, đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây nguyên.
Cùng với những giải pháp trên, tỉnh Sơn La đang thúc đẩy phát triển logistics làm đòn bẩy cho hoạt động thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đây là một chuỗi các loại hình, dịch vụ có sự kết nối trong việc đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hiệu quả, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho hay, đơn vị xác định logistics là một mắt xích rất quan trọng trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Tới đây, Sở Công Thương sẽ cùng các sở, ngành tham mưu với tỉnh trong hoạch định quy hoạch các hạ tầng để phát triển logistics như giao thông, kho bãi và các dịch vụ logistics, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực; đồng thời, triển khai các chính sách như thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển các trung tâm logistics, phát triển đào tạo con người và chính sách phát triển các doanh nghiệp..