BVR&MT – Nhằm tạo ra cơ hội cho các tổ chức, cá nhân quan tâm đến quản trị rừng và giám sát quản trị rừng (FGM) cùng nhau thảo luận, chia sẻ, học hỏi và hợp tác giữa các cá nhân trong lĩnh vực FGM, Trung tâm phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) phối hợp với mạng lưới VNGO-FLEGT và Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức diễn đàn “Các tổ chức xã hội và giám sát quản trị rừng” ngày 18/01 tại Hà Nội.
Thay mặt Ban chủ trì diễn đàn, ông Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng thời đưa ra 3 vấn đề chính để thảo luận trong buổi diễn đàn. Thứ nhất: Vấn đề về giám sát xã hội trong Lâm nghiệp diễn ra như thế nào trong thời gian qua? Tổ chức nào tham gia vào công tác này, những thuận lợi và khó khăn trong công tác giám sát xã hội trong lâm nghiệp? Thứ hai: Luật Lâm nghiệp đã tạo ra khuôn khổ cho giám sát xã hội trong lâm nghiệp hay chưa? Thứ ba: Có thể đưa giám sát xã hội trong Lâm nghiệp như là một chủ đề trong chương trình phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật hay không? Ưu tiên trong năm 2018 và 5 năm tới là gì?
Ông Nguyễn Văn Hà, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (VNFOREST) cho rằng các tổ chức xã hội quan tâm đến lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là quản trị rừng và giám sát quản trị rừng còn hoạt động một cách đơn lẻ, thiếu sự phối hợp và chia sẻ nên đôi khi còn chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực.
Bà Phan Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra Tổng Cục Lâm nghiệp cũng đã trình bày 9 điểm mới của Luật Lâm nghiệp năm 2017 so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và vai trò của các tổ chức xã hội trong giám sát quản trị rừng. Qua đó cho thấy Luật Lâm nghiệp có vai trò quan trọng, tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của quần chúng nhân dân. Đồng thời góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người làm nghề rừng và công cuộc xây dựng nông thôn mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đại diện tổ chức CIAT, bà Nguyễn Thị Thu Thủy đã trình bày hệ thống Terra-i, hệ thống giám sát thời gian thực để phát hiện mất rừng ở vùng nhiệt đới. Đây là phần mềm mã nguồn mở, chỉ sử dụng dữ liệu về tính sẵn có và miễn phí, là một hệ thống cho phép phát hiện, cung cấp thông tin theo dõi diễn biến rừng với tần suất 16 ngày/lần; Giúp cho kiểm lâm ở các khu bảo tồn lên kế hoạch cho chuyến thực địa tốt hơn, từ đó giảm chi phí theo dõi diễn biến rừng; Giúp giám sát chặt chẽ các trang trại/diện tích trồng trọt; Giám sát việc thực hiện các dự án bảo tồn, thủy điện… giúp triển khai các hoạt động kiểm tra thực địa trước khi xảy ra thiệt hại với quy mô lớn. Hệ thống góp phần quan trọng trong việc tham gia giám sát, bảo vệ rừng.
Đại diện Trung tâm Phát triển Nông Thôn Miền Trung đã trình bày về quản trị rừng ở Việt Nam và đưa ra các nguồn tài liệu liên quan đến quản trị rừng cho thấy những chính sách của nhà nước hướng đến bảo vệ tài nguyên rừng của Nhà nước nhiều hơn là bảo hộ quyền, tài sản rừng của chủ rừng. Việc thực thi quyền của chủ rừng đối với rừng tự nhiên còn nhiều trở ngại, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã xác nhận vai trò của tổ chức xã hội trong giám sát rừng nhưng trong quá trình thực thi còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù việc quản trị rừng và giám sát quản trị rừng (FGM) còn là những khái niệm mới mẻ ở Việt Nam, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, có tác động lớn đến môi trường và đời sống của người dân thì việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên thì việc có những hệ thống, chính sách quản trị và giám sát rừng sẽ góp phần quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.
Thạch Thảo