BVR&MT – Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ được đánh giá là có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi biển công nghiệp, với bờ biển dài; nhiều diện tích mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông; nhất là có vùng biển mở gần bờ và xa bờ. Các địa phương đang cố gắng chuyển đổi theo hướng nuôi biển công nghệ cao bền vững.
Khánh Hòa có vùng biển rất thích hợp để phát triển nuôi biển công nghệ cao, lại là nơi tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ và dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi biển, có điều kiện thuận lợi phát triển hợp tác quốc tế trong thu hút công nghệ, nguồn vốn và thị trường tiêu thụ phục vụ đầu tư, phát triển nuôi biển.
Yêu cầu chuyển đổi công nghệ mới
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng, kết quả nuôi biển ở Khánh Hòa chưa tương xứng với tiềm năng. Ngư dân hiện chủ yếu nuôi theo cách truyền thống, lồng nuôi làm bằng gỗ, không chịu được sóng gió lớn. Cơn bão số 12 (tháng 11/2017) đã đánh tan tác lồng bè của người dân trong vịnh Vân Phong, gây thiệt hại lớn. Cách nuôi của người dân còn lạc hậu, đa số sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi chưa bảo đảm, dẫn tới rủi ro cao.
Do đó, khuyến khích, định hướng ngư dân phát triển nuôi biển công nghiệp, chuyển đổi từ lồng bè gỗ sang lồng vật liệu mới; áp dụng công nghệ, quy trình nuôi mới đang là vấn đề được các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ quan tâm. Các địa phương này lại nằm trong vùng có tần suất bão, áp thấp nhiệt đới khá cao, cho nên việc phát triển nuôi biển xa bờ đòi hỏi phải đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, lồng bè, công trình nuôi có khả năng chịu đựng được sóng gió lớn.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều mô hình nuôi biển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều ngư dân ở thành phố Hội An và các huyện Duy Xuyên, Núi Thành đầu tư nuôi biển mỗi năm thu lãi gần 500 triệu đồng, với các loại cá: bớp, sặc, dìa, chẽm, măng… ở ven biển Cửa Ðại (Hội An), Cửa Lở (Núi Thành). Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, định hướng của tỉnh là ưu tiên nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, sức tải môi trường, gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi. Trong chiến lược phát triển, tỉnh sẽ có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nuôi biển tại khu vực Cù Lao Chàm (bên ngoài khu vực bảo tồn biển); khu vực quanh mũi Bàn Than, khu Hòn Thơm, Hòn Dứa (xã đảo Tam Hải)…
Ðến nay, các hộ nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đi vào thâm canh, nâng cao giá trị sản phẩm. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Lý Sơn Ðặng Tấn Thành chia sẻ, nhằm đẩy mạnh nghề nuôi trồng thủy sản và khai thác sử dụng hiệu quả vùng mặt nước ven bờ, huyện đã phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản gồm bảy khu vực, với tổng diện tích 50 ha; phấn đấu đến năm 2025 giá trị nuôi trồng đạt hơn 100 tỷ đồng, trong đó giá trị tôm hùm chiếm hơn 90%.
Ở Bình Ðịnh, nuôi lồng bè trên biển tập trung chủ yếu ở thành phố Quy Nhơn và huyện Phù Mỹ. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Ðịnh Trần Văn Phúc cho biết: Nuôi biển tại Bình Ðịnh phát triển chậm, còn nhiều khó khăn: Chưa giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định; điều kiện hạ tầng còn nhiều hạn chế. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Ðịnh đang tham mưu tỉnh xây dựng chương trình hỗ trợ kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực và công nghệ hiện đại đầu tư phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn.
Thực tế, do ngư dân không có vốn đầu tư công nghệ nuôi phù hợp nên việc phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp khó đem lại hiệu quả như mong muốn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Ðặng Kim Cương cho biết, người nuôi không có điều kiện đầu tư công nghệ lồng nhựa HDPE do Na Uy sản xuất, có thể chịu đựng được sóng gió hơn cấp 12. Ðến mùa mưa bão, người nuôi phải di dời lồng bè đến khu vực tránh trú cách xa vài chục cây số, rất vất vả, lồng nuôi lại dễ bị hỏng, khiến thủy sản nuôi trôi hết ra biển, thiệt hại nhiều.
Ở Khánh Hòa, nuôi biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao mới chỉ đi những bước đầu tiên. Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa Nguyễn Trọng Chánh, hoạt động của các doanh nghiệp nuôi biển theo hướng công nghiệp đã mang lại hiệu quả cao, cụ thể như trang trại của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, hay trang trại của các công ty Australis, Phương Minh, mô hình nuôi cá bớp bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy… Ðiều đáng lưu ý là cơn bão số 12 năm 2017 đã phá hủy hoàn toàn lồng bè gỗ của người dân nhưng những lồng nuôi HDPE không bị ảnh hưởng gì. Ðây là mô hình phù hợp, cần khuyến khích phát triển.
Tuy nhiên khi được hỏi có sẵn sàng chuyển đổi từ lồng bè gỗ sang HDPE hay không, nhiều ngư dân nêu lý do: “Làm lồng gỗ truyền thống chỉ mất hơn 10 triệu/lồng, còn đầu tư lồng nhựa HDPE đắt gấp hơn chục lần, người dân lấy đâu ra tiền để đầu tư chuyển đổi?”. Gần đây, ở Ninh Thuận, một số cơ sở chuyển sang thử nghiệm nuôi cá chim vây vàng, cá bớp với công nghệ lồng nhựa HDPE, có thể chịu đựng được sóng gió cấp 12. Do chi phí đầu tư cao nên việc mở rộng mô hình này cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Cần có chính sách phù hợp
Các doanh nghiệp khi đầu tư dự án nuôi biển đều có nhu cầu về đất trên bờ để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, ở Phú Yên, hầu hết đất ven biển đã được ưu tiên cho du lịch. Ðây cũng là khó khăn khi đề xuất các dự án phát triển nuôi biển công nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển xa bờ, chính sách chuyển đổi vùng nuôi từ đầm vịnh kín ra các vùng biển hở rất khó thực hiện, do yêu cầu nguồn vốn lớn so với khả năng của tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng, các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch 2017 chưa được phê duyệt, là nút thắt chính trong việc sắp xếp, giao, cho thuê đất, mặt nước, khu vực biển. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đang xây dựng Ðề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu sắp xếp, cơ cấu lại tổng thể các vùng nuôi, phát triển hài hòa giữa nuôi trồng thủy sản với các ngành kinh tế khác như du lịch, năng lượng…
Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững nuôi biển, các tỉnh Nam Trung Bộ cần áp dụng đồng bộ các chính sách như: Giao quyền sử dụng vùng biển cho nhà đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp nuôi biển bền vững; đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu; phát triển công nghiệp phụ trợ; đào tạo nhân lực. Khi triển khai các dự án nuôi biển, cùng với con giống nuôi biển tốt, doanh nghiệp ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, trước hết là thay thế lồng bè nuôi bằng thép, gỗ bằng lồng nuôi HDPE; đồng thời dùng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tươi nhằm giảm chi phí, hạn chế tác động xấu đến môi trường.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh chia sẻ: Ðể khai thác tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản cần phải có định hướng tốt; nếu không thì không gian nuôi trồng thủy sản sẽ xung đột với không gian phát triển của các ngành khác. Tỉnh sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách nhất là việc giao diện tích mặt nước, có chính sách tín dụng dành cho người dân, doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp-người nuôi phát triển theo chuỗi giá trị gia tăng; hướng tới mục tiêu từ nay đến năm 2030 chuyển đổi 100% lồng gỗ sang lồng nhựa HDPE.
Tỉnh Ninh Thuận đang vận dụng các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, đồng thời ứng dụng công nghệ mới trong quản lý, tổ chức sản xuất. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết: Thực hiện Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh, hiện địa phương đang thúc đẩy các mô hình, dự án, nuôi cá biển trong lồng bè bằng vật liệu nhựa HDPE.
Ðến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch với diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 2.800ha, trong đó nuôi mặn lợ 1.000ha. “Tỉnh đã lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại huyện Mộ Ðức và thị xã Ðức Phổ với quy mô khoảng 89ha, tổng mức đầu tư khoảng 180 tỷ đồng. Những vùng nuôi tiềm năng này sẽ trở thành vùng nuôi chuyên canh công nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Ðặng Văn Minh nhấn mạnh.
Gắn bó với mảnh đất Khánh Hòa rất nhiều năm, Tham tán thương mại Ðại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, ông Arne Kjertil Lian gợi ý, Khánh Hòa có thể học tập kinh nghiệm của Na Uy trong đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng nuôi biển kết hợp du lịch. Thời gian qua, với nhiều chính sách ưu đãi, Na Uy đã xây dựng được nhiều trang trại trình diễn nuôi cá kết hợp đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1664/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu chung: Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng biển, đảo của Tổ quốc. Mục tiêu cụ thể: Từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280 nghìn ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850 nghìn tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8 đến 1 tỷ USD. Ðến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300 nghìn ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8 đến 2 tỷ USD. |