BVR&MT – Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017, chiều 27/6, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “Phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả”, trong đó vấn đề trọng tâm được đề cập là việc ứng dụng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát khẳng định, trong những năm qua, ngành nông nghiệp có tăng trưởng khá cao, đặc biệt trong giai đoạn 2011 – 2015. Chất lượng nông sản ngày càng được cải thiện, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng, trong đó nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng của ngành có dấu hiệu chậm lại. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm do những bất cập, rào cản về đất đai, thị trường, vốn…
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Đó là ruộng đất không tập trung, sản xuất manh mún và không đồng đều dẫn đến việc bố trí nguồn lực sản xuất không tập trung, khó khăn trong việc áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa. Bên cạnh đó là bất cập về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên sự tiếp cận của các doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn ít. Thực tế còn nhiều rào cản, khó khăn về thủ tục hành chính cũng như hiệu quả thực thi đồng bộ của các văn bản. Đồng thời thiếu chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với chi phí đầu tư lớn.
Theo đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp thành lập trung tâm, viện nghiên cứu, tham gia thực hiện các nhiệm vụ có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như các đơn vị nghiên cứu độc lập; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp liên kết với các tổ chức công nghệ để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
Chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 50 nghìn ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm gần 16,4% diện tích canh tác, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh đạt 150 triệu đồng/ha/năm. So cả nước, Lâm Đồng là địa phương tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 11.000 ha đạt giá trị hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, hơn 700 ha đạt doanh thu từ một đến ba tỷ đồng, cá biệt có một số diện tích đạt hơn ba tỷ đồng/ha/năm”. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất con giống, cá nước lạnh thương phẩm trên diện tích 50 ha tại Lâm Đồng, với sản lượng đạt 500 tấn/năm; 50 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất hơn 32 triệu cây giống gốc invitro hằng năm; 971 tổ chức, hộ nông dân được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic với quy mô hơn 2.500 ha và 977 hộ được cấp VietGHAP.
Đến nay, Lâm Đồng có 16 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu và đang phát huy uy tín thương hiệu NNCNC Lâm Đồng, như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà B’Lao, cà-phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc… Đặc biệt, địa phương liên kết với tổ chức JICA (Nhật Bản) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành. Trong đó, xác định rõ bốn mục tiêu phát triển nông nghiệp của Lâm Đồng: “Thương hiệu số một Việt Nam”, “Trung tâm sản xuất rau số một Đông – Nam Á”, “Điểm du lịch nông nghiệp số một Việt Nam” và “Trung tâm đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển số một Tây Nguyên”. Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp và nông dân nhận thức tính tất yếu phải ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, để mạnh dạn đầu tư và mở rộng liên kết để phát triển sản xuất.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ pháp lý để tập trung ruộng đất cho sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp một cách cụ thể, thiết thực, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Đến nay, cả nước có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận cho 26 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, 3 địa phương đã xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lâm Đồng.
Theo số liệu cập nhật đến tháng 3/2017, cả nước có 15 dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đang được Nhà nước hỗ trợ với tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trên tổng số vốn đối ứng từ doanh nghiệp là 156,3/284,5 tỷ đồng.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong vòng 8 tháng (từ tháng 6/2016 – 2/2017), đã có 25 dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng số vốn hơn 21.200 tỷ đồng.