BVR&MT – Năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tạo nhiều khó khăn, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và làm giảm đà tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Song, dòng chảy cải cách từ các địa phương trên cả nước dường như vẫn được duy trì. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và vừa được công bố mới đây cho thấy, điểm số trung vị PCI 2021 của các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng với những cải thiện mạnh mẽ về thủ tục hành chính, về giảm chi phí không chính thức…; tuy nhiên, vẫn còn không ít quan ngại về những vướng mắc trong triển khai thủ tục đất đai và các thủ tục cấp phép sau đăng ký kinh doanh; đặc biệt là đối với các tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Trong số 15 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, duy chỉ có Quảng Ninh thuộc nhóm rất tốt hay Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang thuộc nhóm khá. Số còn lại hầu hết đều nằm ở vị trí cuối cùng của bảng xếp hạng. Ở vị trí thấp nhất có Cao Bằng, Hòa Bình, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu; nhóm trung bình có Yên Bái, Sơn La, Bắc Kạn,.. với số điểm cách xa so với mức trung bình của cả bảng xếp hạng.
Tìm nguyên nhân
Theo bảng xếp hạng PCI 2021, tỉnh Hòa Bình rơi tới 18 bậc, từ vị trí thứ 44 của PCI 2020 về hạng áp chót (62/62). Đây là lần thứ 2 tỉnh Hòa Bình bị xếp ở vị trí này, kể từ lần trước đó là năm 2013. Sự sụt giảm về thứ hạng của tỉnh Hòa Bình được nhận định là do bị các doanh nghiệp đã đánh giá thấp nhiều chỉ số; trong đó các chỉ số như gia nhập thị trường, đào tạo lao động, tính minh bạch và thiết chế pháp lý giảm điểm mạnh hơn cả.
Ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng Ban Pháp chế – VCCI cho hay, bản chất của PCI là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới chính quyền địa phương. Từng doanh nghiệp khó có thể gửi ý kiến lên các bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Nhưng với cách thức điều tra xã hội học, kết quả PCI đã phản ánh khá toàn diện ý kiến của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Nếu địa phương nào muốn biết doanh nghiệp ở địa phương đang gặp vấn đề, trở ngại gì, cảm nhận về môi trường kinh doanh địa phương ra sao, thì bộ chỉ số thành phần của PCI sẽ cho câu trả lời.
“Việc cải thiện các chỉ số PCI nằm trong tầm tay của chính quyền các địa phương và có thể thực hiện ngay, với chi phí không cao. Ví như công khai thông tin về các cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, hay chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ, tiếp cận đất đai, hay hướng dẫn tuân thủ các quy định… mất ít chi phí hơn rất nhiều so với những khoản đầu tư lớn, khó chủ động như thực hiện cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng hiệu quả lại vô cùng lớn… Trong bối cảnh nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư kinh doanh còn nhiều chồng chéo và đang trong quá trình hoàn thiện, thì vai trò của chính quyền địa phương vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính quyết định sự thành bại của các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp…”, ông Tuấn nói.
Thẳng thắn nhìn nhận vào những hạn chế, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch danh dự Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 10 chỉ số thành phần của Báo cáo PCI 2021 thì có tới 8 chỉ số của tỉnh Hòa Bình bị giảm điểm gồm gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; trong đó, tính minh bạch là chỉ số sụt giảm lớn nhất cả về điểm số và thứ hạng.
Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, yếu kém của Hòa Bình trong bảng xếp hạng PCI năm 2021 được xác định là do người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương chưa nhận diện được trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh cấp tỉnh. Thêm nữa, việc rà soát, xây dựng, cắt giảm thủ tục hành chính cũng chưa thực chất; mối quan hệ giữa các ngành, địa phương trong liên thông giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chưa được thường xuyên, kịp thời, hiệu quả không cao.
Ban Chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh Hòa Bình đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời khẳng định, để tạo sự bứt phá mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo, lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện, thành phố cần nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa tác động của PCI; đồng thời, thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém trên quan điểm cầu thị, tích cực. Đặc biệt, không quá đề cao thứ bậc, chú trọng rà soát thực hiện hiệu quả quá trình giải quyết công việc với mục tiêu mang lại sự hài lòng cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu trong việc tiếp nhận, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực đầu tư, thủ tục cấp các loại giấy phép, đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Hướng đi để cải thiện tình hình
Cũng theo kết quả PCI năm 2021, tỉnh Lai Châu đạt 61,22 điểm, xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố. Dù xếp vào nhóm ở thứ hạng thấp của bảng xếp hạng song phải ghi nhận rằng, trong năm qua, Lai Châu đã có nhiều nỗ lực và tăng được 1 bậc so với năm 2020 và tăng 7 bậc so với năm 2019. Riêng chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,38 điểm, tăng 1,74 điểm so với năm 2020, các chỉ số khác như tiếp cận đất đai, tính minh bạch cũng đều tăng điểm.
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Lai Châu, địa phương dành nhiều sự quan tâm và nguồn lực để đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, tỉnh sẽ tập trung khắc phục các chỉ số còn thấp điểm như: đẩy mạnh Chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; có cơ chế thu hút nhân tài, phát huy nhân tài tại chỗ; cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng sâu, vùng xa…
Trong thời gian tới, Lai Châu sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có, những chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực có thế mạnh; quy hoạch các dự án một cách bài bản thành danh mục khả thi như nông nghiệp hàng hóa tập trung, chế biến sâu gắn với bao tiêu sản phẩm; các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm, du lịch văn hóa cộng đồng; du lịch nông nghiệp sinh thái, lòng hồ thủy điện; các hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với kinh tế cửa khẩu quốc tế, kinh tế biên mậu,… Cùng với đó là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược liệu; khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là đất hiếm; phát triển thủy điện theo quy hoạch,… các dự án gắn khu kinh tế cửa khẩu.
Chia sẻ về thực tiễn triển khai việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Lai Châu, ông Nguyễn Sỹ Chín, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho hay, trong những năm qua, ngành công thương Lai Châu có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tuyên truyền kịp thời các chính sách xuất nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng của thị trường trong, ngoài nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh ứng dụng máy móc tiên tiến và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm; quảng bá, giới thiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Sỹ Tín cho hay, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính về cấp mới, cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép bán buôn nhiều mặt hàng sản phẩm; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 15 ngày làm việc xuống 10 ngày làm việc; đưa 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Cung cấp 74 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 48 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 94 dịch vụ công trực tuyến kết nối, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Có thể nói, với mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Lai Châu đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hoàn thiện về thể chế, nâng cao năng lực điều hành, năng lực đối thoại của chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành cấp tỉnh; trong đó, đặc biệt tập trung cải thiện vị thế và thứ hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.