BVR&MT – Công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, mạnh đã và đang làm thu hẹp quỹ đất nông nghiệp (ĐNN) của Hải Dương.
Đây là xu thế tất yếu song nếu không sử dụng hợp lý, hiệu quả sẽ gây lãng phí, ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Còn bất cập
Mới nghe phong thanh thông tin thu hồi đất thực hiện dự án nhưng người dân làng đào Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) đã thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Ông Vũ Văn Đạt là người trồng đào có tiếng ở đây với gần 20 năm kinh nghiệm cho biết người dân Tranh Đấu khấm khá nhờ trồng đào, mỗi năm bà con thu hàng chục tỷ từ cây đào. Vì thế khi nghe tin những vườn đào tiền tỷ sắp trở thành đất dự án nên ai cũng sốt ruột. “Ai cũng mong muốn có đời sống ngày càng hiện đại, văn minh với hạ tầng khang trang song nếu phải đánh đổi bằng nguồn lợi giá trị cao từ đất đai thì rất khó khăn. Đất cho lợi nhuận cao thì bị thu hồi trong khi nhiều diện tích ĐNN hoang hóa nhiều năm lại chưa có hướng xử lý. Biết là việc lựa chọn quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị phải căn cứ vào nhiều yếu tố nhưng nghịch lý trên khiến nông dân không khỏi xót xa”, ông Đạt giãi bày.
Thực tế ở một số địa phương trong tỉnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng ĐNN sang phi nông nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập, không tạo được sự đồng tình cao, thậm chí gây bức xúc trong dân. Người dân mong chờ những dự án xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất sẽ tạo công ăn việc làm ổn định. Thế nhưng mòn mỏi chờ đợi chỉ thấy nhiều diện tích đất vốn là bờ xôi ruộng mật để hoang hóa trong nhiều năm. Ông Lê Văn Duẩn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Miện bày tỏ quan điểm: “Cần phải có giải pháp quyết liệt bảo vệ quỹ ĐNN, nhất là những diện tích mang lại giá trị cao để bảo đảm phát triển hài hòa, cân đối giữa các lĩnh vực. Hải Dương đang xây dựng nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh nên càng cần phải duy trì quỹ ĐNN hợp lý, khai thác bền vững”.
Theo tổng hợp kiểm kê đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Hải Dương có gần 110.000 ha ĐNN. Theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ cho phép thì tỉnh còn dư hơn 11.000 ha ĐNN để thực hiện chuyển đổi sang các hoạt động phi nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều nhà đầu tư cùng với UBND các huyện, thành phố, thị xã điều tra, nghiên cứu dự án như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đất ở… Các dự án này sẽ sử dụng diện tích ĐNN lớn, thường bám theo tuyến đường giao thông. ĐNN bị mất đi phần lớn lại là diện tích cho năng suất, giá trị cao. Điều này tạo ra áp lực rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Ngành nông nghiệp đề xuất đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ giảm hơn 13.000 ha đất nông nghiệp
Xây dựng “địa chỉ đỏ”
Trước nhu cầu chuyển đổi ĐNN rất lớn của các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, tổng hợp số liệu và căn cứ vào tình hình thực tế để có giải pháp vảo vệ quỹ ĐNN giá trị cao. Theo đó, đến năm 2030, diện tích ĐNN chuyển sang mục đích khác là hơn 22.000 ha. Việc chuyển đổi ĐNN quá nhiều sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng đất, dẫn tới nguy cơ mất an ninh lương thực. Do đó, ngành nông nghiệp đã đề nghị các huyện, thành phố, thị xã dựa vào căn cứ về vai trò, vị trí của ngành trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm xác định vị trí ĐNN cần giữ ổn định phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất đến năm 2030 giữ ổn định gần 92.000 ha ĐNN, chỉ giảm hơn 13.000 ha so với hiện trạng, thấp hơn 9.000 ha so với nhu cầu của các địa phương. Ngoài diện tích lớn thì hiện nay, chỉ tiêu sử dụng ĐNN chưa đồng nhất, dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai. Vì thế cần phải xác định quy mô cụ thể ĐNN đến cấp xã, xây dựng “địa chỉ đỏ” để bảo vệ nghiêm ngặt đối với diện tích ĐNN cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các địa phương cần kiên quyết không tiếp nhận dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Với những diện tích ĐNN nằm trong “địa chỉ đỏ”, phải đầu tư hạ tầng bài bản phục vụ sản xuất để khai thác nguồn lợi lâu dài, bền vững.
Theo ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dù đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa song Hải Dương xác định nông nghiệp là trụ đỡ, cứu cánh cho nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng. Vì vậy, thời gian qua tỉnh quyết liệt trong việc rà soát, cân đối quỹ ĐNN để quản lý, bảo vệ ĐNN giá trị cao hợp lý, hiệu quả.