BVR&MT – Vừa qua, người dân và du khách rất ngỡ ngàng và bức xúc trước việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (đơn vị chủ đầu tư) thi công hạng mục chòi ngắm cảnh, lan can khu vực công viên Choản Thèn, trong đó có việc đổ bê tông, dựng lan can sắt tại khu vực “cây hoàng hôn” làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hoang sơ nơi đây.
Từ bê tông hóa khu vực “cây hoàng hôn”
Ngay sau khi nắm bắt được phản ứng của người dân và du khách, ngày 23/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai- Giàng Thị Dung đã có chỉ đạo khẩn Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh dừng thi công hạng mục chòi ngắm cảnh, lan can khu vực công viên Choản Thèn tại xã Y Tý, huyện Bát Xát. Ngoài việc yêu cầu tạm dừng thi công, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh tiến hành rà soát, nghiên cứu lại hồ sơ thiết kế đề xuất phương án, báo cáo UBND tỉnh xem trước ngày 30/6/2021.
Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Bát Xát cùng chính quyền xã đã đi kiểm tra công trình nêu trên, những phần cọc bê tông đã được dỡ bỏ, khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Điều đáng nói là, việc xây dựng diễn ra ngay sau khi UBND tỉnh Lào Cai có ban hành Quyết định số 1926/QĐ-UBND công nhận thôn Choản Thèn là điểm du lịch.
Được biết, khu vực “cây hoàng hôn”-theo cách gọi của du khách- là vị trí Check-in, ngắm cảnh đẹp hoang sơ tại thôn Choản Thèn. Đây cũng là nơi diễn ra các nghi lễ của người Hà Nhì, trong đó có Lễ hội Khô Già Già (lễ hội cầu mùa của người Hà Nhì đen) rất độc đáo. Theo những vị cao niên sinh sống ở thôn, 2 cây nằm trong khu vực công viên tại thôn cổ Choản Thèn là cây dẻ sồi, không ai biết nó có từ khi nào nhưng ít nhất cũng khoảng 100 năm tuổi.
Đây là những cây gắn với đời sống hằng ngày của người dân, nên tại khu vực này, người dân có dựng lán thờ làm bằng gỗ, lợp mái cỏ để các vị cao tuổi trong thôn sử dụng cầu thần linh phù hộ cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, cuộc sống người dân ấm no, thịnh vượng. Ngoài ra, cây này còn biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người dân vùng cao nơi biên cương của Tổ quốc.
Tại khu vực có 2 cây dẻ sồi cổ kể trên, đất khá dốc nên việc xây dựng lan can có thể hiểu được là để bảo đảm an toàn cho du khách đến ngắm cảnh và để trẻ em trong thôn vui chơi. Tuy nhiên, việc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho xây chòi ngắm cảnh bê tông, làm lan can sắt, khiến những công trình này lạc lõng giữa không gian núi rừng với những ngôi nhà trình tường bằng đất của bà con Hà Nhì. Công trình xây dựng làm biến dạng cảnh quan tự nhiên, vốn là thế mạnh về du lịch của Y Tý nói chung và thôn Choản Thèn nói riêng.
Thôn Choản Thèn là một trong những thôn cổ ở Y Tý được hình thành cách đây 300 năm. Thôn có diện tích tự nhiên 236 ha, nằm cách trung tâm xã Y Tý khoảng 2km và cách biên giới Việt-Trung khoảng 6km. Cả thôn hiện có 57 hộ gia đình với 323 nhân khẩu, trong đó 100% là người Hà Nhì Đen.
Đến chuyện làm du lịch của người Hà Nhì
Sau quy hoạch, Y Tý được nhiều người biết đến hơn vì đây được coi là Sa Pa thứ hai. Nhiều Homestay cũng đã hình thành phục vụ nhu câu ăn nghỉ của du khách. Những giá trị văn hóa, xã hội, kiến trúc mang đậm bản sắc của người Hà Nhì ở Y Tý đang giúp đồng bào nơi đây thay đổi cuộc sống.
Ông Tráng A Lù (người Hà Nhì), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý, nhận rõ sự đổi thay hằng ngày của mảnh đất biên cương này.
“Trước kia, ở Y Tý người dân rất đói khổ chứ không như bây giờ đâu. Hồi đó không có đường, chỉ đi bộ. Người dân trồng lúa mì, ngô để lấy cái ăn. Các hạt này cứng nên đun nhừ mới ăn được”, ông Lù kể.
Từ sau năm 1986 cho đến nay, người dân Y Tý được đi học nên văn minh hơn, không còn đói nghèo như những thế hệ ngày xưa nữa. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hiện nay Y Tý có hơn 30 em học đại học rồi trở về địa phương công tác, người làm công an, cán bộ xã, biên phòng… có đủ cả.
Khi Y Tý phát triển du lịch, môi trường sống sạch sẽ hơn trước rất nhiều, mọi người đều có ý thức phải giữ gìn môi trường sống xanh sạch đẹp. Một nhà trồng hoa rồi hàng xóm cũng học theo trồng hoa ở những con đường nông thôn mới Y Tý.
“Cái thay đổi nhìn thấy rõ ràng là chuồng trại ở xa không còn nuôi nhốt trong, gần nhà nữa. Đường sá, cửa nhà mình sạch sẽ hơn không còn mùi gia súc, gia cầm…”, ông Lù nói.
Người dân không còn đổ, vứt rác bừa bãi xung quanh bản làng, hay xuống suối. Người vi phạm sẽ phạt rất nặng với 36kg lợn hơi, 20kg gạo và 20 lít rượu.
Rồi đây, Y Tý sẽ còn phát triển hơn nữa, những ngôi nhà trình tường, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Hà Nhì, những cảnh đẹp hoang sơ nơi đây sẽ còn thu hút, hấp dẫn du khách đến khám phá và tìm hiểu. Do đó, trong quá trình quy hoạch phát triển Y Tý các cấp chính quyền, đơn vị chuyên ngành liên quan cần cẩn trọng, đặc biệt là xin đừng bê tông hóa những di sản, di tích.