Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc

BVR&MT –  Quần thể du lịch tại xã Hữu Liên (thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) sở hữu vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cùng lợi thế tập trung đông đồng bào các dân tộc sinh sống với phong tục tập quán và nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc. Tất cả đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch song song với phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn xã.

Xem thêm:

Thoát nghèo nhờ trồng na trên núi đá

Khu du lịch sinh thái Đồng Lâm, xã Hữu Liên.

Xã Hữu Liên là xã vùng III nằm cách trung tâm huyện Hữu Lũng khoảng 25 km về phía Bắc, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 150 km theo quốc lộ 1A và đường tỉnh lộ 243. Xã có tổng diện tích hơn 6.000 ha, dân số toàn xã có hơn 3.500 người đang sinh sống.

Đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng

Trong khoảng đầu năm 2020, mô hình du lịch sinh thái xã Hữu Liên đã thu hút hơn 5.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Riêng mô hình du lịch cộng đồng cũng đón tới khoảng 7.000 lượt khách đến lưu trú ở các Homestay tại các làng du lịch cộng đồng.

Với đặc thù địa giới hành chính xã nằm trong diện tích Khu rừng đặc dụng Hữu Liên nên có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng với nhiều loại gỗ và muông thú quý hiếm. Vùng núi đá vôi không chỉ là nơi trú ngụ và nuôi dưỡng nhiều loại động, thực vật mà còn tạo nên nhiều thắng cảnh độc đáo, kỳ vĩ như: Hang Soong Boong, hang Hổng, hang Hoài… Trong đó khu sinh thái Đồng Lâm với đồng cỏ rộng lớn, thảm thực vật phong phú, thiên nhiên thơ mộng là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua. Du khách tới đây có thể dựng trại để hòa mình vào thiên nhiên, tổ chức dã ngoại, leo núi, khám phá hang động, chèo thuyền Kayak… cùng nhiều hoạt động hấp dẫn khác.

Một góc Khu du lịch sinh thái Đồng Lâm, Hữu Liên.

Trong thời gian qua, xã Hữu Liên đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư của các cấp, các ngành, các đơn vị doanh nghiệp nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhận được sự đầu tư xã đã tiến hành khảo sát, xây dựng đường bê tông vào khu vực bãi đỗ xe và khu vực hệ sinh thái Đồng Lâm, cùng các gói hỗ trợ để triển khai xây dựng các mô hình phát triển du lịch. Ngoài ra xã còn được mở các lớp dạy nhận thức, tập huấn về nghiệp vụ phát triển du lịch cộng đồng và trang bị nhiều thiết bị phục vụ du lịch.

Ông Vi Văn Tuyến, chủ Homestay Ngọc Bích tại thôn Là Ba – xã Hữu Liên cho biết: “Được chính quyền cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh quan tâm giúp đỡ nhiều nên việc kinh doanh không gặp nhiều khó khăn, cơ bản thuận lợi. Vào những ngày lễ hoặc cuối tuần gia đình đã đón được cao nhất hơn 60 khách/ngày. Kinh tế gia đình từ đó đi lên, nhưng mấy tháng gần đây do ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 cũng không dám nhận nhiều khách để đảm bảo công tác chống dịch tại địa phương”.

Ông Vi Văn Tuyến, chủ Homestay Ngọc Bích tại thôn Là Ba – xã Hữu Liên.

Phát triển du lịch đi đôi với cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc

Địa bàn xã Hữu Liên gồm 9 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông, Cao Lan, Sán Dìu, Mường , Thái cùng chung sống hòa thuận. Trong đó đặc sắc nhất phải kể đến là người dân tộc Dao. Sự đa dạng về văn hóa kết hợp với phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc đã tạo nên nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc.

Đến với Hữu Liên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các làng bản với nhà sàn 4 mái lợp ngói âm dương của người dân tộc Tày, dân tộc Dao sinh sống qua nhiều thế hệ. Di sản văn hóa kiến trúc nhà sàn tồn tại song song với di sản văn hóa phi vật thể như: hát pá xoan, hát nhả tơ, hát then,… cùng với những trang phục độc đáo của dân tộc Dao chỉ có ở xã Hữu Liên.

Nhà sàn người Dao ở Hữu Liên.

Đặc biệt đồng bào dân tộc người Dao còn có những bài thuốc thảo dược nổi tiếng được làm từ các loại cây rừng rất tốt cho sức khỏe như thuốc tắm cho bà đẻ, thuốc ngâm chân… cực kì hữu ích. Đặc sản phải kể đến là rượu ngô men lá được chế biến từ những nguyên liệu truyền thống, lá cây hái trên rừng đem về, kết hợp với hạt ngô nếp để nguyên hạt sau đó đem nấu cách thủy tạo ra những vò rượu thơm, ngon, trong. Rượu ngô men lá đang dần trở thành thương hiệu của người đồng bào dân tộc Dao.

Việc phát triển du lịch tạo điều kiện cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, tư duy mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế, quảng bá thương hiệu cho người dân trong vùng và cả du khách.

Nguyên liệu làm rượu ngô men lá của đồng bào dân tộc người Dao.

Sự phong phú của thiên nhiên, sinh vật cùng với bề dày văn hóa truyền thống tại Hữu Liên vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Những giá trị văn hóa du lịch tiềm năng đang được chính quyền địa phương cùng người dân khơi dậy để phát triển các loại hình du lịch bền vững trong tương lai góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, đồng thời nâng cao ý thức, đời sống cho người dân.

Thúy Đào