BVR&MT – Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam hiện nay đang được quan tâm triển khai, nhất là phát triển hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Trong đó, việc tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực này được xem là xu thế tất yếu ở Việt Nam hiện nay.
Tại Hội thảo “Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững” diễn ra chiều 29/3, tại Hà Nội, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về hiện trạng, thách thức trong phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam hiện nay; năng lực của Việt Nam trong phát triển đô thị thông minh; việc xây dựng chính sách và khung pháp lý cũng như quy hoạch đô thị, phát triển vùng. Đồng thời, các đại biểu còn được chia sẻ kinh nghiệm từ Hà Lan và một số nơi khác trên thế giới về phát triển đô thị thông minh…
Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hà Lan do Bộ Xây dựng và Đại sứ quán Hà Lan phối hợp tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nienke Trooster – Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam khẳng định: Các đô thị cần có khả năng thích ứng với những thách thức ngắn hạn như: ngập lụt…. Đô thị thông minh là mô hình sẽ giúp quy hoạch phát triển đô thị nhằm nâng cao khả năng thích ứng với những thay đổi và phát triển trong tương lai.
Về vấn đề thực tế phát triển đô thị ở Việt Nam, các đại biểu cho rằng, với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, do đó cần thiết phải ứng dụng mô hình mới để đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân. Một số đô thị lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… có tiềm năng để phát triển và nhân rộng mô hình đô thị thông minh hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với các rào cản để phát triển hiệu quả đô thị thông minh… Để bắt kịp xu thế và tận dụng lợi thế cũng như hạn chế các thách thức, rào cản, vừa qua, Bộ Xây dựng đã xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành liên quan…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, ở Việt Nam, một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án thành phố thông minh hay Phú Quốc cũng triển khai mô hình Phú Quốc thông minh, rồi Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh… cũng xem xét để phát triển mô hình đô thị thông minh. Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả của mô hình này cần được triển khai dưới dạng Đề án hệ thống, tham khảo các bộ chỉ tiêu quốc tế và có thể tham khảo các mô hình của Hà Lan, Du-bai…
Thực tế chỉ ra, các xu hướng toàn cầu như đô thị hóa, số hóa, lưu động hóa, những thay đổi trong thị trường lao động cũng như quá trình biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên đang tạo ra những ảnh hưởng rõ rệt lên xã hội chúng ta. Các đô thị đang đứng trước thách thức phải tìm ra giải pháp và các mô hình kinh tế mới để thích nghi. Theo dự báo, đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị. Điều này sẽ tạo nên áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình hạ tầng, cơ sở vật chất, quỹ đất, quỹ nhà và nguồn công ăn việc làm. Mặt khác, người dân thành phố cũng ngày càng có cơ hội tham gia nhiều hơn với chính quyền. Khi người dân được thông tin đầy đủ, có phương tiện để tiếp cận với chính quyền, họ sẽ góp phần giải quyết các vấn đề chung tại nơi mình sinh sống. Việc xây dựng mối quan hệ với mỗi người dân là điểm mấu chốt trong phát triển hệ sinh thái thành phố thông minh, để từ đó tạo nên một xã hội thông minh.
Các xu hướng toàn cầu này cũng hoàn toàn đúng tại Việt Nam và có thể dễ dàng quan sát được. Việt Nam có dân số tương đối lớn với 90 triệu người, có lực lượng lao động dồi dào và nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh. Việt Nam cũng là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn đảm bảo Việt Nam có thể đối phó với những thách thức trong tương lai, tạo không gian cho tăng trưởng cũng như đảm bảo đủ công ăn việc làm và trang bị những kĩ năng cần thiết cho lực lượng lao động, Việt Nam không chỉ cần có một kế hoạch dài hạn mà còn cần một kế hoạch thông minh…
Hà Lan là một đất nước đã đô thị hóa ở mức cao và rất nhiều các thành phố đang ứng dụng mô hình Thành phố thông minh, tham vọng còn trở thành một quốc gia thông minh. Hà Lan cũng đã thành công với mô hình liên kết các chính quyền thành phố, các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và khối dân sự xã hội để cùng nhau bàn bạc, trao đổi góc nhìn và cùng đi đến thống nhất về chiến lược phát triển. Trong chuyến thăm chính thức Hà Lan năm 2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mô hình và chiến lược phát triển Thành phố thông minh của Hà Lan đã được trình bày với Thủ tướng. Sau chuyến thăm, Bộ Xây dựng đại diện bởi Cục Phát triển đô thị (UDA) đã được phân công làm việc với Nhóm các đối tác về Đô thị thông minh Vương quốc Hà Lan (SCNL). Hai bên sẽ cùng nhau hợp tác thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm trong các lĩnh vực: Phát triển đô thị, đô thị thông minh, thành phố sân bay và môi trường sống trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng vì lợi ích chung. |