BVR&MT – Theo Bộ Xây dựng, để phát triển cây xanh đô thị hiện đang còn đang gặp khó khăn, cần phải có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thời gian qua, các hoạt động trồng cây xanh đô thị theo đề án “trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” đã được triển khai, lan tỏa sâu rộng trên khắp cả nước. Tuy vậy, việc trồng, chăm sóc cây xanh cũng như quản lý và duy trì, phát triển quỹ đất cây xanh đô thị hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức; chưa nhận được sự quan tâm của nguồn vốn tư nhân tham gia…
Diện tích đất cây xanh chưa đạt chuẩn
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025,” ngày 28/7/2021, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương về việc hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý cây xanh đô thị.
Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích đất xây dựng theo quy hoạch trên cả nước hiện có khoảng trên 6 triệu hécta. Trong đó, diện tích đất cây xanh hiện nay mới chỉ khoảng trên 70 nghìn hécta (một số địa phương không báo cáo, hoặc không có số thống kê), chiếm tỷ lệ hơn 1,2% (thấp hơn so với quy chuẩn đặt ra).
Tính đến nay, cả nước đã có 55/63 địa phương ban hành quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Trong đó, một số địa phương, đô thị đã ban hành danh mục cây trồng, cây cần bảo tồn, cây nguy hiểm, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trên địa bàn theo phân công, phân cấp; tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn… theo quy định.
Bên cạnh đó, tại các khu công nghiệp, cây xanh chủ yếu được trồng theo quy hoạch được duyệt trong quá trình xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tuân thủ quy hoạch chi tiết. Ngoài phần diện tích trồng cây xanh của khu công nghiệp thì trong các nhà máy, chủ đầu tư cũng bố trí tỷ lệ đất cây xanh khoảng 20% khi triển khai dự án như tại tỉnh Hưng Yên, Đồng Nai, Quảng Trị và một số địa phương khác.
Về số lượng cây xanh đô thị (thân gỗ lớn, cây bóng mát), hiện chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên tại một số đô thị lớn đã có những chương trình, đề án phát triển cây xanh như Hà Nội khoảng 1 triệu cây xanh bóng mát, Đà Nẵng khoảng 350.000 cây (năm 2015), Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 236.000 cây (năm 2019), thành phố Vũng Tàu khoảng 38.000 cây, thành phố Quy Nhơn khoảng 54.000 cây…
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay, việc quản lý và duy trì, phát triển quỹ đất cây xanh đô thị tại nhiều địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, nhất là với các quỹ đất cây xanh còn xảy ra tại một số địa phương trong quá trình phát triển đô thị, kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, lĩnh vực cây xanh đô thị hiện nay đang chủ yếu sử dụng nguồn vốn nhà nước để đầu tư và trồng, chăm sóc, duy trì, chưa nhận được sự quan tâm của nguồn vốn tư nhân tham gia. Các đô thị hầu hết chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài các quỹ đất đã được quy hoạch công viên, cây xanh.
Ngoài ra, việc phát triển các loại cây giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng của địa phương đòi hỏi khoa học và công nghệ hiện đại, trong khi tại nhiều địa phương chưa thể chủ động trong lĩnh vực này. Vì vậy, tại các đô thị đang rất cần sự hỗ trợ về nguồn giống, quy trình chăm sóc, bảo vệ từ cây non đến khi trưởng thành…
Khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư
Trước thực tiễn nêu trên, ông Hùng cho biết các địa phương đã kiến nghị Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện chính sách quản lý và phát triển cây xanh đô thị; trong đó đảm bảo không gian, diện tích đất cho phát triển cây xanh theo quy định phù hợp với thực tiễn triển khai quản lý tại các địa phương.
Cùng với đó, các địa phương kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị, tiêu chuẩn, các định mức kinh tế kỹ thuật về cây xanh; bổ sung các chế tài xử lý khi chủ đầu tư các dự án không dành quỹ đất trồng cây xanh.
Đặc biệt, các địa phương đề xuất Bộ Xây dựng ban hành chính sách khuyến khích, thu hút các nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển cây xanh đô thị; bố trí kinh phí dành riêng cho nội dung phát triển, chăm sóc, quản lý cây xanh, phát triển hệ thống công viên, mảng xanh, vườn ươm; phát triển việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý cây xanh; tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ về trồng, chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh.
Ngoài ra, các địa phương cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, phát triển quỹ đất vườn hoa, công viên nhằm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng công viên, vườn hoa, cây xanh trong quá trình phát triển đô thị.
Liên quan đến vấn đề trên, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng để phát triển công viên, cây xanh đô thị ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần huy động nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước.
Theo đó, Nhà nước cần phải có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút vốn đầu tư; công khai quy hoạch và lên danh sách các danh mục kêu gọi đầu tư; xúc tiến đầu tư có hiệu quả; lồng ghép dự án công viên, cây xanh đô thị với dự án sinh lời khác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Mặt khác, để tăng cường quản lý cây xanh đô thị từ khâu trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh, theo các nhà khoa học, cần phải có quy định cụ thể về việc cấp phép đối với chặt hạ, dịch chuyển cây xanh công cộng; phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh.
Một biện pháp cũng hết sức quan trọng là khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ và trồng cây xanh trước mặt nhà, trên các tuyến phố theo quy hoạch và theo quy định về chủng loại cây được phê duyệt./.