Phát triển cây thuốc quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông 

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 - 2020)

BVR&MT – Vừa qua, ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây thuốc quý hiếm Bảy lá một hoa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông” để duy trì, bảo vệ loài cây này, đồng thời tạo tiền đề đưa cây bảy lá một hoa vào vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc địa phương.

Trong ảnh: Cây Bảy lá một hoa mọc tại khu vực rừng Pù Luông.

Khu Bảo tồn (KBT) thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước) có khí hậu mát mẻ, phù hợp cho sự phát triển của các loài động thực vật, đặc biệt là các loài cây dược liệu với 590 loài cây thuốc, thuộc 445 chi, 161 họ của 7 ngành thực vật bậc cao có mạch và nhóm nấm.

Ngoài ra, kết quả điều tra cũng đã ghi nhận được tại KBT có 33 loài, thuộc 30 chi và 24 họ cây thuốc thuộc diện bảo tồn ở Việt Nam, nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam; trong đó, có 13 loài nằm trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, 22 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Từ kết quả điều tra, nghiên cứu ban đầu, những năm qua Khu KBT thiên nhiên Pù Luông đã triển khai Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài cây thuốc quý hiếm bảy lá một hoa”. Hiện KBT đã điều tra hiện trạng phân bố cây và lấy mẫu đất để phân tích mẫu thực vật để giám định; dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ các loài dược liệu”, gồm: Giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm Việt Nam và đã trồng được 0,5 ha/loài, đồng thời xây dựng được vườn ươm giống gốc của các loại dược liệu trên.

Bảy lá một hoa (Paris polyphylla Smith) còn gọi là củ rắn cắn, họ trọng lâu; có nhiều hoạt chất có thể sử dụng trong nghành y tế, thân rễ cây chữa được các bệnh như sốt, sốt rét cơn, kinh giản, giải độc khi bị rắn độc cắn, chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, ho lâu ngày, hen suyễn…

Lê Linh