BVR&MT – Phát triển các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng hiện là giải pháp bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả, mở ra hướng phát triển sinh kế mới cho người dân tại xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè.
Pa Vệ Sủ là một xã miền núi vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè. Tổng diện tích tự nhiên là: 24.165,62ha; đường biên giới dài 31,556km đường biên, có 818 hộ, 2.966 khẩu; gồm 7 dân tộc sinh sống, trong đó có 2 dâu tộc sinh sống lâu đời là dân tộc La Hủ và Mảng, đây là 2 dân tộc đặc biệt khó khăn, dân tộc La Hủ chiếm 94%; dân tộc Mảng chiếm 4,5%, còn lại các dân tộc khác. Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn; địa hình đồi núi. Trước tình hình đó chính quyền và nhân dân xã đã xác định để phát triển các ngành như chăn nuôi và trồng các loại cây hoa màu năng suất sản lượng không cao. Vì vậy những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã xác định phát triển dược liệu là hướng đi phù hợp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của xã, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng, đảm bảo thêm thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là người dân ở các bản giáp biên giới, nơi có điều kiện thuận lợi và có tỷ lệ che phủ rừng lớn.
Hiện nay, trên địa bàn xã đang bảo tồn được nhiều loài dược liệu tự nhiên phong phú, quý hiếm như: Thất diệp nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa), sâm Lai Châu, lan kim tuyến, thảo quả, tam thất hoang, hoang tinh trắng… Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để Pa Vệ Sủ phát triển kinh tế bằng cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Lai Châu với giá trị kinh tế rất cao.
Qua rà soát đánh giá 12/12 bản điều có thể phát triển cây dược liệu khác nhau tùy vào khí hậu của từng bản. Đặc biệt có 7 bản là Sín Chải A, B, C, Xà Phìn, Chà Gá, Pá Hạ và Thò Ma có khả năng phát triển tốt cho cây sâm Lai Châu. Hiện nay các bản Sín Chải A, B, C, Pá Hạ và Chà Gá đã có các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn kết hợp bảo vệ và phát triển rừng và đã xuất hiện những gương điển hình tiêu biểu trong việc phát triển cây dược liệu quý dưới tán rừng như: hộ gia đình Pờ Và Hừ, Phùng Hu Xa bản Sín Chải C, Vàng Xá Đơ, Vàng Lỳ Hừ, Pờ A Sò…
Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ mang tính bảo vệ rừng mà còn mang lại rất nhiều giá trị kinh tế cao cho nhân dân từ các loại cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Lai Châu được thiên nhiên ban tặng có thể gọi là một viên ngọc quý hiếm, không chỉ có giá trị về dược liệu mà con mang lại giá trị kinh tế vô cùng to lớn. Vì vậy trong thời gian qua, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định 1719/QĐ-TTg, xã đã rà soát những hộ gia đình nằm trong các chương trình để hỗ trợ về vốn, cây con giống và vật tư nông nghiệp.
Cùng với việc giúp đỡ nhân dân đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, chính quyền xã Pa Vệ Sủ thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để bám, nắm địa bàn, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm.
Nhờ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS, biên giới của huyện đã có chuyển biến tích cực. Vì vậy chính quyền và nhân dân xã quyết tâm huy lợi thế về rừng để phát triển các loài dược liệu sinh trưởng dưới tán rừng song song đó là cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 31/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển Sâm Lai Châu và một số cây dược liệu quý, giai đoạn 2023 -2025 và định hướng đến năm 2030.
Điều đó có thể khẳng định, tiềm năng phát triển cây dược liệu trên địa bàn xã Pa Vệ Sủ nhất là các bản vùng cao có độ cao từ 1.000 mét trở lên nên rất thích hợp cho việc phát triển cây dược liệu. Là một lợi thế rất lớn của xã về phát triển cây dược liệu và cũng là thế mạnh để xã Pa Vệ Sủ phát triển vùng dược liệu của huyện Mường Tè.
Để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn xã Pa Vệ Sủ thời gian tới, xã tiếp tục tập trung thu hút đầu tư nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển dược liệu và xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu trên địa bàn xã trong đó Nhà nước đóng vai trò cầu nối và hỗ trợ để xây dựng các mô hình kinh tế xanh bằng cách đầu tư, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên.
Xây dựng mạng lưới điểm bảo tồn cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên ở các bản Sín Chải A, B, C kết hợp với du lịch Leo núi Pusilung. Có chính sách phù hợp để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng trên cơ sở người dân được hướng dẫn khai thác hợp lý và trồng dược liệu dưới tán rừng. Bởi người dân trong vùng vừa là chủ thể quản lý, chủ thể được hưởng lợi từ rừng và là một mắt xích trong hệ sinh thái không thể tách rời. Khuyến khích hình thành các tổ chức sản xuất giống dược liệu tiêu chuẩn nhằm cung cấp cho nhân dân và trồng khảo nghiệm trên địa bàn xã.
Đẩy mạnh và ưu tiên hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực khai thác phát triển dược liệu (từ khâu sản xuất giống, canh tác, sơ chế bảo quản dược liệu). Có cơ chế riêng biệt đối với nhóm cây dược liệu quý để quản lý vấn đề khai thác trong tự nhiên. Phải coi dược liệu là lâm sản đặc thù, từ đó cơ quan chức năng được huyện giao nhiệm vụ: Hướng dẫn các chủ rừng, người dân khai thác có sự kiểm soát, có kế hoạch và cấp chứng nhận xuất xứ. Hình thành các Hợp tác xã, doanh nghiệp để kết nối ngang giữa các hộ dân trong lĩnh vực khai thác (trong tự nhiên), trồng dược liệu để hợp tác/kết nối dọc với các doanh nghiệp tiêu thụ và sản xuất, đồng thời là cơ sở để áp dụng các giải pháp kỹ thuật. Nhân rộng mô hình cho các nhà đầu tư được thuê môi trường rừng nhằm trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ dân có vườn, vùng trồng dược liệu dưới tán rừng.