BVR&MT – Động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững năm 2020 và các năm tiếp theo là nâng cao sức cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, – Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 ngày 30-10, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng tình với kết quả đạt được. Song để phát triển kinh tế được bền vững cho các năm sau, nhất là năm 2020, cần làm rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng.
Cần linh hoạt hỗ trợ
Thảo luận về động lực tăng trưởng, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) bày tỏ đồng tình về kết quả đạt được là “những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng”. Tuy nhiên nhìn về năm 2020 và những năm tiếp theo, theo Chủ tịch VCCI, là “chưa thể yên tâm”.
Phân tích các động lực tăng trưởng, vị đại biểu của đoàn Thái Bình cho biết, nhìn kỹ vào ngành chế biến, chế tạo – khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong chín tháng đầu năm, thấy đằng sau mức tăng sản lượng ấn tượng 11,37%, thì chỉ số hàng tồn kho của ngành này tại thời điểm ngày 30-9 cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%, cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm 2018 và 8,8% của năm 2017.
Về thương mại, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, “chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu của chúng ta chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng 1/3 của mức tăng hơn 20% của những năm trước nữa.”
“Những chỉ báo trên cho thấy, để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan. Và động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhận định.
Vì vậy theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, cần có cơ chế chính sách linh hoạt hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp. Thí dụ như việc giảm lãi suất nhằm giảm chí phí kinh doanh.
“Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các nước trên thế giới đua nhau hạ lãi suất, giảm chi phí và ban hành các gói kích thích kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, chúng ta đang làm gì khi lạm phát thấp nhưng lãi suất lại cao và các chi phí kinh doanh ngày càng lớn.”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh
Cũng liên quan tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cũng đề cập đến vấn đề hộ kinh doanh.
Theo Chủ tịch VCCI, mặc dù đã đóng góp tới 40% GDP nhưng khu vực kinh tế tư nhân đang mang trong lòng nó một nghịch lý lớn chỉ có hơn 700 ngàn doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân đóng góp chính thức chỉ vẻn vẹn 10% GDP, còn lại 30% GDP là thuộc về 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.
“Không có một nền kinh tế thị trường nào mà có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
“Về bản chất thì hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý nên với bên ngoài hộ kinh doanh đang bị hạn chế về quyền kinh doanh, trong nội bộ thì hộ kinh doanh đang thiếu vắng một khung khổ quản trị có hiệu quả và không rõ ràng về trách nhiệm của các cá nhân tham gia. Quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh thiếu minh bạch, hộ kinh doanh không được thúc đẩy để hỗ trợ lớn lên. Hoạt động kinh doanh của các hộ này đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt”, Chủ tịch VCCI phân tích.
“Chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không thể ép hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể khoác một tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh”, ông Lộc nói.
Theo đó ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, “đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa”.
Đồng thời, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng giải thích việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là “để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế nước ta, cũng là để bảo đảm thực thi một nguyên tắc nền tảng trong Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân và tổ chức ở đất nước ta phải được quy định bằng văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp nghị định, thông tư như tình trạng của hộ kinh doanh hiện nay ở nước ta”.
Cần sự đột phá về cơ chế chính sách
Đồng tình về vai trò động lực của kinh tế tư nhân trong tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho biết, “chỉ trong chín tháng đầu năm, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã đạt 624,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong các khu vực kinh tế. Sự chuyển dịch về cơ cấu này thể hiện kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng đóng góp hơn 40% GDP tạo ra 1,2 triệu việc làm mỗi năm”.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị “Chính phủ cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Muốn vậy cần phải có sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm, hồ hởi, bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế.”
“Theo tôi, Nhà nước cần thay đổi mạnh mẽ từ can thiệp, hỗ trợ quản lý, tăng cường nguồn lực, hỗ trợ đủ mạnh về đất đai, nguồn vốn tín dụng, đào tạo nhân lực liên kết với các thành phần kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng và chất lượng cao tương xứng với tiềm năng của nó”, ông Nguyễn Như So nói.
Đồng thời nhấn mạnh, “bên cạnh việc xác định chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, Chính phủ cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường đầy đủ, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới”.
“Cần phải đặt doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường đối với những người dẫn dắt thị trường đó, tạo ra sân chơi cạnh tranh thì mới có hiệu quả, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng, tiếp cận nguồn tài nguyên, thể chế, chính sách, nguồn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thu nhập”, đại biểu của đoàn Bắc Ninh đề nghị.