BVR&MT – Những năm qua, bên cạnh việc hoàn thiện các chủ trương, chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường (TN và MT), Bộ TN và MT đã phối hợp chặt chẽ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLÐLÐVN) thực hiện nhiều giải pháp để phát huy vai trò của người lao động và các tổ chức công đoàn trong việc tham gia giám sát, bảo vệ TN và MT ở các địa phương.
Trưởng ban Quan hệ Lao động (TLÐLÐVN) Ngọ Duy Hiểu cho biết: Ðể phát huy vai trò của người lao động trong công tác bảo vệ TN và MT, năm 2004, TLÐLÐVN và Bộ TN và MT đã ký Nghị quyết liên tịch số 01/2004/NQLT- TLÐ-BTNMT về phối hợp bảo vệ môi trường (BVMT) phục vụ phát triển bền vững. Thực hiện những nội dung đã đề ra, trong những năm qua, TLÐLÐVN thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, đoàn viên và người lao động trên cả nước về BVMT, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Công tác tuyên truyền tập trung vào một số nội dung chính như: Trang bị các kiến thức, kỹ thuật, công nghệ về BVMT; tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày môi trường thế giới (5-6) và Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường hằng năm; thực hiện quản lý thống nhất an toàn vệ sinh lao động với BVMT trong hệ thống công đoàn; tập huấn bảo hộ lao động cho người sử dụng lao động lồng ghép các kiến thức về BVMT…
Ngoài ra, các điển hình làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động và BVMT cũng được quan tâm, hỗ trợ bằng hình thức cải tạo cảnh quan môi trường, trang bị hệ thống giảm thiểu ô nhiễm. Một số các cơ sở sản xuất làm tốt công tác BVMT đã được TLÐLÐVN hỗ trợ, giúp đỡ như: mô hình sản xuất sạch, thân thiện môi trường tại Công ty đầu tư phát triển Chè Nghệ An; mô hình doanh nghiệp làm tốt công tác BVMT và an toàn vệ sinh lao động tại Công ty Thanh Tân (Thừa Thiên – Huế); mô hình điểm về BVMT có sự tham gia của cộng đồng do công đoàn cơ sở tại xã Hương An (huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) thực hiện… Bên cạnh đó, từ năm 2006 đến nay, Trạm quan trắc và phân tích môi trường lao động (Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động, nay là Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động) thực hiện 2.000 lượt quan trắc tình trạng môi trường lao động tại 1.000 cơ sở sản xuất. Kết quả quan trắc hằng năm được báo cáo nghiệm thu, đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia, góp phần xây dựng dữ liệu hiện trạng ô nhiễm môi trường chung tại Việt Nam. Ðánh giá kết quả quan trắc, Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ TN và MT) Nguyễn Thế Ðồng cho biết: Thông qua các kết quả kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng thời gian qua cho thấy, ý thức và nhận thức của doanh nghiệp về BVMT đã có những chuyển biến khá rõ rệt. Các doanh nghiệp tham gia đầu tư, thực hiện các nghĩa vụ về BVMT góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao năng suất sản xuất; đồng thời giáo dục người lao động có thói quen tiết kiệm chống lãng phí như tiết kiệm văn phòng phẩm, điện, nước. Doanh nghiệp BVMT cũng chính là bảo đảm sức khỏe cho người lao động của đơn vị mình. Mặt khác, các kết quả về BVMT cũng giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong xu thế ngày càng có nhiều nước thúc đẩy và triển khai các chương trình quốc gia về mua sắm và tiêu dùng xanh.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt, trốn tránh việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động và BVMT. Việc phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong vấn đề BVMT còn chung chung, chưa thật sự đạt hiệu quả. Người lao động có tâm lý e ngại, không dám lên tiếng phản ánh các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BVMT… Ngoài ra, do nguồn kinh phí hạn hẹp cho nên số lượng các cơ sở sản xuất được quan trắc môi trường lao động còn ít, ảnh hưởng đến tính đại diện của kết quả quan trắc khi nhận định, đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường lao động trên quy mô toàn quốc…
Để tiếp tục phát huy vai trò của người lao động trong công tác BVMT, mới đây, Bộ TN và MT và TLÐLÐVN đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp, trong đó sẽ thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ TN và MT, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai đoạn 2018 – 2023 như: nghiên cứu triển khai các đề tài khoa học và sử dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác của mỗi cơ quan; xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình công nhân viên chức lao động tham gia quản lý, giám sát, bảo vệ TN và MT; tổ chức diễn đàn công nhân lao động vì môi trường; tôn vinh người lao động, cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác BVMT tại các doanh nghiệp.