BVR&MT – Những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, ngành, địa phương tỉnh Lai Châu quan tâm thực hiện quyết liệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR); các chính sách hỗ trợ đầu tư, chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai hiệu quả, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật BV&PTR…
Là tỉnh miền núi, biên giới, Lai Châu có 906.878,8ha diện tích tự nhiên, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 57,34% tổng diện tích tự nhiên. Với 265,095km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có vị trí quan trọng là đầu nguồn Sông Đà – nơi cung cấp và điều tiết nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình (đặc biệt là các công trình thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát và nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ khác). Do đó rừng và đất rừng có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng.
Xác định vai trò quan trọng đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu, các sở, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, BV&PTR. Theo đó, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 18/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, BV&PTR. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 20/8/20212 phê duyệt Quy hoạch BV&PTR tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1406/QĐ-UBND ngày 30/10/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Triển khai Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Trên cơ sở đó, các ngành chức năng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng cấp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Tăng cường công tác tuyên truyền và xây dựng lực lượng nòng cốt; đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch vùng rừng nguyên liệu. Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản chấp hành tốt các quy định của pháp luật… Đến nay, toàn tỉnh có 13 chủ rừng là tổ chức (gồm: 7 chủ rừng là các Ban Quản lý rừng phòng hộ và 6 chủ rừng là các tổ chức kinh tế), 106 đơn vị cấp xã được nhà nước giao quản lý rừng, ngoài ra còn có các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thực hiện công tác BV&PTR rừng theo quy định của pháp luật.
Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của Nhân dân và chủ rừng luôn được các địa phương, lực lượng kiểm lâm chú trọng. Theo đó, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với các xã, bản xây dựng nội quy, quy ước và hương ước bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thấy được giá trị, tầm quan trọng của rừng đối với đời sống, từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Xây dựng, thực hiện chương trình nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị, cán bộ hợp đồng PCCCR ở các xã và tổ chức các chương trình tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 5.727 lượt cuộc họp tuyên truyền trong cộng đồng dân cư với 326.434 lượt nghe…
Công tác trồng và phát triển rừng nhận được sự quan tâm ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân và dân tộc trên toàn tỉnh. Đến nay, diện tích rừng trồng đạt 18.412,2ha (tăng 10.086,62ha so với năm 2015). Trong đó, diện tích quế trên 6.200ha (chiếm 33,7%), thông trên 4.200ha (chiếm 22,8%), sơn tra (trồng hỗn giao: thông, tống quá sủ, vối thuốc) trên 660ha chiếm 3,6%, lát hoa (trồng thuần và trồng hỗn giao: sấu, giổi, xoan đào…) khoảng 2.300ha (chiếm 12,5%); diện tích còn lại chủ yếu là các loài cây như: keo, vối thuốc, re, sấu, giổi, mắc ca… chiếm 27,4%. Diện tích rừng trồng đã thành rừng 8.086,3ha (chiếm 43,92%), diện tích rừng trồng chưa thành rừng 10.325,9ha (chiếm 56,08%)…
Thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ quan tâm triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp quản lý, BV&PTR; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về rừng, nỗ lực nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà… Góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân (đặc biệt là dân tộc thiểu số), từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hải Sơn